Khởi động năm kế hoạch 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng đánh giá, công nhận 21 sản phẩm OCOP 4 sao của 6 chủ thể với chất lượng đặc trưng giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cấp chứng nhận OCOP 4 sao cho các chủ thể đợt 1, năm 2024 |
• “VIẾT LẠI CÀ PHÊ SẠCH”
Theo Bộ tiêu chí OCOP quốc gia, sản phẩm OCOP hạng 4 sao phải đạt từ 70-90 điểm, mang tính đặc trưng của văn hóa truyền thống địa phương, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường, bộc lộ nhiều tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao. Theo đó, Công ty TNHH Cà phê Hân Vinh (Nam Ban, Lâm Hà) xếp hạng 4 sao với 3 sản phẩm cà phê rang xay Dehavi Pine Forest, Dehavi Valley và Dehavi Rowoa tích lũy hơn 20 năm hoàn chỉnh quy trình chất lượng sản phẩm sạch, thơm ngon. Từ nông trại đến ly cà phê Dehavie, Công ty TNHH Cà phê Hân Vinh cam kết “viết lại giá trị sạch” cho người tiêu dùng. Uống một ly cà phê sạch Nam Ban, Lâm Hà không những giúp người tiêu dùng nâng cao sức khỏe, mà còn hỗ trợ các nông hộ bảo tồn các giống cà phê quý của địa phương và góp sức đưa cà phê chất lượng cao của Việt Nam đến với thị trường quốc tế…”.
Được biết, Công ty TNHH Cà phê Hân Vinh đang liên kết với hơn 1.000 nông hộ thuộc các hợp tác xã Nam Ban (Lâm Hà) và Cầu Đất (Đà Lạt) sản xuất, thu hoạch tuyển chọn kỹ lưỡng cà phê nhân xanh đồng nhất, chất lượng cao, tổng sản lượng mỗi năm 25.000 tấn. Cà phê chín sau khi phơi, sấy đạt độ ẩm 12,5% đưa vào máy tách vỏ lụa, loại bỏ tạp chất và những hạt không đạt yêu cầu. Sau đó đóng vào từng bao 60 kg lưu mẫu. Quy mô nhà máy với bồn chứa 30 tấn thành phẩm, công suất đóng gói tự động 10 tấn/ngày, rang tự động 3 tấn/ngày. Sản phẩm cà phê OCOP Hân Vinh được sản xuất và chế biến theo chứng nhận trong nước và toàn cầu, đủ điều kiện xuất khẩu như: Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững Rainforest Alliance; giám sát và đánh giá chất lượng thực phẩm, dược phẩm phù hợp với tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường Mỹ FDA; hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ISO 22000:2018; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực - năm 2022 (Bộ Công thương); sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh - năm 2021 (UBND tỉnh Lâm Đồng); nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Tiếp theo với 3 sản phẩm nấm sò notaly, bào ngư xám và linh chi xếp hạng OCOP 4 sao đợt 1/2024, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân (Ninh Gia, Đức Trọng) đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng về hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Cụ thể theo công bố của công ty này, nấm notaky chứa hàm lượng chất xơ cao, kích thích nhu động ruột, giúp cơ thể thải chất độc thường xuyên, chống oxy hóa trong cơ thể, hỗ trơ người bệnh tiểu đường, phòng, chống nguy cơ ung thư da. Với nấm bào ngư xám giúp phòng tránh các bệnh huyết áp thấp, béo phì, kháng khuẩn, ngăn ngừa các tế bào ung thư phát triển, phòng ngừa giun sán. Và nấm linh chi đỏ Việt Nam kích thích hoạt động của hệ thống miễn dịch, phòng, chống ung thư, dị ứng, hỗ trợ kháng dị ứng, hạ cholesterol…
• SẢN PHẨM OCOP GẮN VỚI CHUỖI GIÁ TRỊ
Thống kê đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 389 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Trong đó, 9 sản phẩm 5 sao, 92 sản phẩm 4 sao, 288 sản phẩm 3 sao. Có 213 chủ thể sản phẩm OCOP gồm: doanh nghiệp (101 chủ thể); hợp tác xã (37 chủ thể); trang trại, cơ sở, hộ cá thể (63 chủ thể); tổ hợp tác (12 chủ thể). Qua gần 5 năm triển khai, Chương trình OCOP Lâm Đồng hỗ trợ chủ thể nâng cấp công nghệ, máy móc; in tem QR code; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; thông tin, tuyên truyền; đào tạo, tập huấn; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản; chuẩn hoá lợi thế của từng địa phương; chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến ISO: 22000: 2018. Toàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu; quảng bá và bán sản phẩm OCOP Lâm Đồng…
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá: “ Sự lan tỏa của Chương trình OCOP giúp nhiều địa phương thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình để triển khai những giải pháp phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua đó, Chương trình OCOP Lâm Đồng đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân nông thôn…”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin