Các chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng so với cùng kỳ, bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp ổn định phát đi tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế Lâm Đồng ngay từ tháng đầu năm 2024.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu |
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, theo UBND tỉnh, trong tháng 1 năm nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh bảo đảm tiến độ thời vụ, các địa phương tích cực tập trung sản xuất cũng như cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Qua đó, diện tích gieo trồng đạt 313.051 ha, đạt 75% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích cây hàng năm đạt 35.636 ha, bằng 26,5% kế hoạch, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Mặt khác, chăn nuôi, thủy sản tiếp tục có chiều hướng phát triển, nhất là đối với tổng đàn heo đạt 433.172 con, tăng 4,5%, tổng số gia cầm 5.653.000 con, tăng 5,5%, đàn bò 102.450 con, tăng 1,1%...
Nguyên nhân đem lại được kết quả trên là do ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã đảm bảo việc triển khai từ khâu làm đất, xuống giống cây trồng sản xuất vụ Đông Xuân theo đúng kế hoạch đề ra. Cùng đó, tình hình sâu bệnh gây hai cây trồng trên diện tích nhỏ và đã được các cơ quan chuyên môn kịp thời thực hiện các biện pháp kiểm soát, không để thành dịch gây thiệt hại cho sản xuất.
Sản xuất sợi tơ tằm tăng mạnh trong tháng đầu năm 2024. Ảnh: Võ Đình Quýt |
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Theo thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp trong tháng 1/2024 tăng 15,9%. Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghiệp khai khoáng tăng 67%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%. Một số sản phẩm tăng cao như phân bón NPK đạt 2,5 ngàn tấn, tăng 207,5%; cao lanh các loại đạt 32,5 ngàn tấn, tăng 182,3; bia đạt 10 triệu lít, tăng 140,1%; sơi tơ tằm các loại đạt 79,5 tấn, tăng 86,6%; sợi len lông cừu đạt 200 tấn, tăng 71,2%; chè chế biến đạt 822,4 tấn, tăng 55,1% và lụa tơ tằm các loại đạt 212.000 m2, tăng 27%... so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong tháng 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt hơn 7.327 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu từ bán lẻ hoàng hóa đạt 5.273,1 tỷ đồng, tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch đạt 1.142,3 tỷ đồng và doanh thu từ các dịch vụ khác đạt 911,7 tỷ đồng… Đáng chú ý, trong tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80,8 triệu USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 26,8 triệu USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, phụ tùng lắp ghép nhà kính, hạt giống, củ giống, hoa giống, kim loại, hóa chất, bao bì, máy móc. Cũng trong tháng, thu ngân sách nhà nước đạt 1.635,5 tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán Trung ương, bằng 11,7% dự toàn địa phương và bằng 94,3% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, cùng với sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ mùa vụ, công tác giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách nhà nước cũng được quan tâm, chỉ đạo thực hiện; nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng; đặc biệt tổng lượt khách du lịch tăng 6,7%, trong đó khách quốc tế tăng 34,3% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn lực đầu tư công, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Với mức tăng trưởng từ các khu vực nêu trên ngay từ tháng đầu năm và UBND tỉnh xác định tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới nên có thể kỳ vọng nền kinh tế Lâm Đồng sẽ đạt các kết quả theo như kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin