Thời gian trồng lay ơn cho vụ hoa Tết Nguyên đán thường bắt đầu từ tháng 10 hoặc tháng 11 của năm trước, nhưng cá biệt vẫn có thể trồng vào tháng 2 như năm nay.
Lay ơn thường trồng trên những luống đất bằng phẳng |
Ông Nguyễn Kim Hùng, một người trồng hoa lay ơn ở xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: “Trước khi đem ra đồng trồng, củ lay ơn giống đã trải qua 5 tháng ươm ủ trong lòng đất. Sau đó, củ lay ơn giống được đào lên, nhặt bỏ rễ và đem bỏ vào kho lạnh thêm 2 tháng nữa. Ra khỏi kho lạnh, củ lay ơn giống tiếp tục được cho nghỉ thêm 20 ngày để nứt mầm, rồi mới xuống giống”. Theo ông Hùng, đất trồng lay ơn là loại đất thịt nhẹ, độ tơi xốp cao, thoát nước tốt. Đất sau khi được làm sạch cỏ thì tiến hành lên luống, mặt luống phải bằng phẳng để tránh cho cây khỏi bị úng ngập. Củ lay ơn giống được trồng theo từng hàng thẳng. “Từ lúc xuống giống cho tới khi cây cứng cáp, phải mất 2 tháng chăm sóc. Tiếp tục chăm cây khoảng 3 tháng nữa thì bắt đầu thu hoạch để phục vụ thị trường hoa Tết. Như vậy, tính từ lúc ươm giống cho tới khi thu hoạch, một vụ hoa lay ơn Tết mất gần 1 năm”, ông Hùng cho biết.
Hiệp An, nơi ông Hùng trồng lay ơn, chính là địa phương sở hữu diện tích trồng lay ơn phục vụ thị trường hoa Tết Nguyên đán lớn nhất cả nước. Ông Thái Bình Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An, cho hay: “Những năm qua, hệ thống thủy lợi ở đây được đầu tư nâng cấp, kéo theo năng suất và chất lượng hoa lay ơn tăng. Niên vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hiệp An có khoảng 180 ha lay ơn. Thời tiết khá thuận lợi (giờ nắng ban ngày kéo dài, đêm nhiệt độ giảm sâu, không bị tác động xấu bởi những cơn mưa trái mùa...) nên phần đa lay ơn đơm nụ đúng dịp Tết. Nụ nhiều và đều, cành mập khỏe”. Nhiều thương lái thu mua hoa lay ơn đã bày tỏ sự đồng tình: “Cành dài và nhiều nụ, bông khi nở thì to, màu đẹp, lâu tàn - ấy là thương hiệu đã được khẳng định trong nhiều năm qua của lay ơn trồng ở xã Hiệp An. Điều này lý giải vì sao hoa lay ơn ở đây luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những người chơi hoa trong dịp Tết Nguyên đán, từ Phú Yên, TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội, Hải Phòng”.
Niên vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sản lượng 1 sào lay ơn trồng tại xã Hiệp An đạt khoảng 20.000 cành. Với giá bán cao nhất 60.000 đồng/1 bó 10 cành, 1 sào trồng hoa lay ơn mang lại cho người trồng khoảng 120 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sản xuất 1 sào lay ơn (giống, phân, thuốc...) tiêu tốn 40 triệu đồng, chưa tính tiền công chăm sóc.
Chưa ai biết mùa hoa lay ơn Tết 2025 tới đây ra sao nhưng những người trồng lay ơn ở Hiệp An vẫn tin và hi vọng vào loại hoa đã gắn bó bao năm với vùng đất này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin