Trước tình hình dịch bệnh tuyến trùng trên cây dâu tằm, UBND huyện Đạ Tẻh đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển đổi diện tích dâu nhiễm tuyến trùng sang cây trồng khác; duy trì và mở rộng xây dựng vườn dâu an toàn dịch bệnh; duy trì dâu trồng mới.
2 ha dâu giống mới tại xã Triệu Hải và Đạ Kho với 3 giống gồm: GQ02, GQ 20, GQ21; cây đã cao 1,2 m, lá to, dày |
Đạ Tẻh là một trong những địa phương phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm lớn của tỉnh. Bệnh tuyến trùng phát tán mạnh gây hại trên cây dâu tằm khiến hàng trăm ha bị nhiễm bệnh thối rễ chết dần hoặc làm giảm năng suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương. Theo Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, vào cuối năm 2020, tại một số địa phương xuất hiện nhiều diện tích cây dầu tằm bị vàng lá, giảm năng suất. Qua kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, các diện tích dâu bị vàng lá giảm năng suất và bị chết do bộ rễ bị tuyến trùng gây hại; làm tổn thương bộ rễ, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm trong đất phát triển gây thối rễ, vàng lá và chết cây dâu.
Trước tình hình trên, Trung tâm Nông nghiệp huyện triển khai các biện pháp canh tác, chăm sóc dâu theo quy trình kỹ thuật nhằm tạo ra sản lượng và chất lượng lá dâu ngày một tăng góp phần thực hiện đề án phát triển dâu tằm bền vững, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực hiện duy trì diện tích dâu trồng mới và mở rộng chuyển đổi diện tích dâu nhiễm tuyến trùng nhằm tạo ra giống dâu có khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng trừ tuyến trùng hiệu quả phục vụ tái canh cây dâu gắn với xây dựng vườn dâu an toàn dịch bệnh.
Trung tâm Nông nghiệp huyện đã đưa về các loại giống dâu tằm GQ02, GQ12, GQ 20, GQ21 để trồng tại các địa phương với kế hoạch 5 ha. Tuy nhiên, quá trình thực hiện một số hộ đã không thực hiện theo cam kết như trồng xen sầu riêng, hoặc do thời tiết mưa sớm, mưa nhiều nên cây dâu bị chết hoặc không đủ diện tích theo yêu cầu nên đã phải dừng không tiếp tục hỗ trợ (mặc dù đã cấp cây giống). Hiện tại, đang duy trì 2 ha tại xã Triệu Hải và Đạ Kho với 3 giống gồm: GQ02, GQ20, GQ21; cây đã cao 1,2 m; lá to, dày. Trung tâm Nông nghiệp huyện tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển, khả năng kháng bệnh, năng suất và chất lượng để có cơ sở tham mưu trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Minh Long (Thôn 7, xã Đạ Kho) người thực hiện mô hình vườn dâu giống mới với diện tích 1 ha cho biết: Được sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung tâm Nông nghiệp huyện, tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm các giống dâu tằm mới. Hiện nay, đã cho thu hoạch lứa lá dâu tằm đầu tiên, qua kinh nghiệm nhiều năm trồng dâu, nuôi tằm thì các giống dâu mới này năng suất, chất lượng hơn; có thể gấp 3 lần giống dâu cũ. Cán bộ Khuyến nông xã Đạ Kho cho biết thêm, các giống dâu mới được trồng thử nghiệm tại địa phương bước đầu cho kết quả tốt, khả năng kháng bệnh cũng cao. Các giống sẽ được trồng cùng một lượt, cùng một quy trình chăm sóc, sau đó sẽ có những báo cáo, đánh giá cụ thể để nhân rộng mô hình.
Song song với việc duy trì giống dâu tằm mới, huyện Đạ Tẻh tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi vườn dâu bị bệnh tuyến trùng nặng sang cây trồng khác; giúp cho hộ dân có thu nhập trên diện tích dâu bị bệnh và thực hiện các biện pháp trừ tuyến trùng hiệu quả trước khi tái canh. Căn cứ theo quy trình chăm sóc dâu và các nguyên nhân, giải pháp phòng trừ tuyến trùng, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã xây dựng và định lượng các tiêu chí để thực hiện; trong quá trình cải tạo không làm tác động đến trồng dâu, nuôi tằm của người dân. Thời gian cải tạo một năm hoặc ít nhất 2 vụ, trong quá trình chuyển đổi phải thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh tuyến trùng như đào rãnh thoát nước, sử dụng vôi, Trichoderma và các loại chế phẩm, phân hữu cơ, cày và phơi ải đất để tiếp tục tái canh cây dâu. Đến nay, đã triển khai được 6,2 ha tại các xã Mỹ Đức và Triệu Hải, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi vườn dâu bị bệnh tuyến trùng nặng sang cây trồng khác.
Ông Nguyễn Ngọc Thư - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết: Những năm qua, cây dâu phát triển mạnh trên địa bàn huyện, giá cao và khá ổn định, người dân có thể trồng dâu ở nhiều địa hình khác nhau. Do đó việc xây dựng vườn dâu an toàn dịch bệnh để giới thiệu, minh chứng cho việc sản xuất theo kỹ thuật giúp cho dâu phát triển tốt, kiểm soát được dịch bệnh, đặc biệt là tuyến trùng, giúp người dân phát triển dâu tằm bền vững; các địa phương đăng ký 25 ha, đến nay triển khai được 11,6 ha. Đối với dâu tằm giống mới, hiện cây sinh trưởng và phát triển tốt; Trung tâm Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục xây dựng vườn dâu mẫu an toàn dịch bệnh, giám sát kỹ thuật, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện…
Thời gian tới, Trung tâm Nông nghiệp huyện tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật và phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nội dung, yêu cầu thực hiện chương trình, kiểm tra đôn đốc thực hiện chương trình, theo dõi và báo cáo tiến độ, kết quả chương trình hỗ trợ chuyển đổi diện tích dâu nhiễm tuyến trùng sang cây trồng khác, duy trì và mở rộng xây dựng vườn dâu an toàn dịch bệnh, duy trì dâu trồng mới. UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đến người dân về nội dung, đối tượng, yêu cầu của chương trình, xác định các loại cây trồng có hiệu quả để hướng dẫn Nhân dân đăng ký thực hiện, chỉ đạo khuyến nông viên cơ sở phối hợp với Hội Nông dân, các thôn xác định đúng đối tượng, điều kiện để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Nông hộ tham gia chương trình phải cam kết thực hiện đúng, đủ theo quy trình kỹ thuật và nội dung chương trình, thực hiện theo hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện; đầu tư vốn, vật tư, công lao động theo quy định để mô hình đạt kết quả…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin