Cà phê VietGAP dưới tán rừng

VĂN VIỆT 01:55, 12/03/2024

Trên dãy núi độ cao 1.200 - 1.500 m so với mặt biển tại thôn Ta Ly 2, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương đang canh tác cà phê dưới tán rừng theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hoạch và đưa vào sơ chế, chế biến những dòng sản phẩm cà phê nhân xanh, cà phê bột đặc trưng giá trị cao trên thị trường.

Chủ nhân Ngô Huyền Trang trong nông trại cà phê dưới tán rừng, 
phân bổ độ cao 1.200 - 1.500 m so mặt biển
Chủ nhân Ngô Huyền Trang trong nông trại cà phê dưới tán rừng, phân bổ độ cao 1.200 - 1.500 m so mặt biển

Thương hiệu cà phê bột CapTung Farm chế biến tại thôn Lạc Thanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương ngày càng được nhiều khách hàng trong nước tìm mua sử dụng bởi chất lượng đậm đà, hậu vị thơm lâu khác biệt. Sản phẩm cà phê nhân xanh và cà phê bột ở đây tạo ra từ quy trình khép kín canh tác, sơ chế, chế biến và đưa ra thị trường của hộ gia đình bà Ngô Huyền Trang ở xã Ty Tra, huyện Đơn Dương vừa nêu. Theo đó từ năm 2008 đến nay, hộ gia đình bà Trang đã hoàn chỉnh quy mô hoạt động trang trại nông lâm kết hợp ổn định diện tích 12 ha nguyên liệu thuần loại 70% cà phê Robusta, 30% cà phê Arabica sinh trưởng giữa môi trường núi đồi, rừng cây ngát xanh, trong lành và khoáng đạt. 

Trên các trang mạng xã hội, chủ nhân Ngô Huyền Trang chia sẻ với phóng viên những dòng bình luận cảm nhận sản phẩm cà phê bột CapTung của khách hàng trong nước đã và đang và sẽ sử dụng. Trong đó đáng quan tâm với khách hàng Hồ Văn Kiều ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng cách cơ sở chế biến cà phê CapTung chỉ vài cây số: “Cà phê cô Trang tự pha chế uống rất ngon và mở quán bán cho khách cũng được thường xuyên khen ngon. Hơn 2 năm qua vẫn chọn mua duy nhất cà phê cô Trang”. Khách hàng Đàm Thu Hương ở Hà Nội viết: “Hơn 3 năm gần đây, mình vẫn mua đều đặn cà phê bột CapTung từ Lâm Đồng về sử dụng hàng ngày và giới thiệu người thân thưởng thức, mọi người đều đánh giá chất lượng đậm đà, phù hợp với khẩu vị…”. Với khách hàng Thủy Tiên từ Sài Gòn thì: “Cà phê Robusta và Arabica của cô Trang với giá cao hơn các loại cà phê thông thường khác khoảng 20% vì mùi hương thuần chất tự nhiên của đất núi Lâm Đồng. Người tiêu dùng chúng tôi vẫn tiếp tục tin dùng…”. Ở tỉnh Đồng Nai giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, bác sĩ Nguyễn Sáng, một khách hàng sử dụng cà phê CapTung hơn 6 năm qua bình luận: “Cà phê CapTung với nguyên liệu sản xuất an toàn giữa rừng sinh thái, chất lượng thơm ngon đặc biệt, nên tôi và nhiều đồng nghiệp sang năm mới 2024 vẫn kết nối mua về sử dụng mỗi ngày…”.

Chủ nhân Ngô Huyền Trang cho biết hàng năm, Trang trại cà phê CapTung thu hoạch, sơ chế, chế biến 2 dòng sản phẩm cà phê nhân và cà phê bột. Trong đó sản phẩm cà phê nhân chiếm 80% sản lượng do thương lái trong tỉnh Lâm Đồng tự tìm đến mua với giá cạnh tranh. Còn lại 20% sản lượng chế biến sản phẩm cà phê bột được khách hàng đặt mua qua các trang facebook, zalo của trang trại. Tất cả hai mặt hàng này đều tiêu thu nhanh chóng hàng năm. Dự kiến với tổng diện tích 12 ha nói trên, Trang trại cà phê CapTung sẽ thu hoạch xong niên vụ 2023-2024 đến hết tháng 3 này, đạt tổng sản lượng khoảng 10 tấn nhân. “Lúc cao điểm cà phê chín rộ, Trang trại huy động 10 lao động trở lên thu hái bằng tay, lựa từng trái cà phê chín mọng trên cành. Giá thuê khoán thu hái mỗi ký cà phê chín 3.000 đồng vào những tháng đầu năm 2024. Một lao động thu hái trung bình mỗi ngày từ 100 kg trái cà phê chín trở lên…”.

Theo chân chủ nhân Ngô Huyền Trang, phóng viên vượt đường dốc gập ghềnh khoảng hơn 3 km cây số từ đường bê tông lên đến độ cao 1.200-1.500 m so với mặt biển để vào Trang trại cà phê CapTung thuộc địa giới thôn Ta Ly 2, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Lúc này đầu tháng 3, qua thời điểm thu hoạch rộ, Trang trại vẫn bố trí 5 lao động thu hái trái cà phê chín mỗi ngày. Quy trình sơ chế sau thu hoạch bắt đầu công đoạn ủ trái chín 36 giờ trong nhà kho của Trang trại. Sau đó đưa ra ngoài mở từng bao cà phê đổ vào bể nước, vớt những trái lép nổi lên trên để loại bỏ. Còn lại lớp trái chìm sâu dưới đáy được đưa vào máy xay lấy hạt lụa đem phơi dưới nắng tự nhiên giữa thung lũng rừng sinh thái từ 4-5 ngày. Sau cùng đóng bao sản phẩm hạt nhân cà phê xanh chuyển về cơ sở ở thôn Lạc Thanh, xã Tu Tra cùng huyện Đơn Dương để bán cho thương lái tỷ lệ 80%, giữ lại tỷ lệ 20% chế biến sản phẩm bột cung cấp cho khách hàng trong nước theo nhu cầu…

Vào sâu trong Trang trại men theo thung lũng vòng quanh những quả đồi với tầng cây thông, cây muồng, hồng ăn trái, bên trên và tầng cà phê Robusta và Arabica bên dưới, cùng tác động cộng sinh lẫn nhau, thuận hòa hai mùa mưa nắng, chủ nhân Ngô Huyền Trang chia sẻ đây là kết quả thiên nhiên bù đắp công sức hơn 16 năm phá bỏ cây bụi, cây tạp, trồng cây nông lâm phủ xanh đất trống, đồi trọc, đầu tư thâm canh của hộ gia đình mình. Với môi trường trong lành đạt tiêu chuẩn VietGAP, bên cạnh sản phẩm cà phê nhân xanh và cà phê bột khẳng định giá trị cao nói trên, thương hiệu CapTung tiếp tục đưa ra thị trường được đón nhận tích cực sản phẩm trà vỏ cà phê (trà cascara) nồng đượm hương vị “kết tinh kỳ diệu” từ miền đất lành này…