Là đô thị loại 1, Đà Lạt trong những năm vừa qua đã chú trọng đặc biệt đến việc phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.
Thi công một con đường hẻm trong khu dân cư tại Phường 2, Đà Lạt |
Xác định phát triển hệ thống hạ tầng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch tổng thể chỉnh trang thành phố giai đoạn 2022-2025 theo quy hoạch chung của thành phố và vùng phụ cận đã được phê duyệt, Đà Lạt trong thời gian qua đã nỗ lực đồng bộ hóa việc phát triển hạ tầng đô thị, từ khâu lập quy hoạch đến thi công, đồng thời làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch, mất mỹ quan đô thị; đảm bảo các điều kiện xây dựng đô thị thông minh.
Thành phố đã ưu tiên nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn; mở rộng đường quanh hồ Xuân Hương; đầu tư xây dựng đường giao thông nối từ đường Lữ Gia xuống thượng lưu hồ Xuân Hương; xây dựng kè chắn xung quanh hồ lắng Số 1 và dọc theo suối (đoạn từ hồ lắng Số 1 đến điểm đường Lữ Gia mở rộng). Đồng thời đã triển khai hầu hết các lĩnh vực trong hệ thống hạ tầng đô thị từ giao thông, hạ tầng kỹ thuật; thủy lợi; giáo dục; y tế; năng lượng; viễn thông; công viên, bãi đậu xe; cấp, thoát nước, thu gom xử lý nước thải; khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng nông nghiệp và nông thôn; hạ tầng thương mại; xây dựng nhà ở xã hội; tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp đã được khởi công và bố trí vốn...
Theo như UBND TP Đà Lạt đánh giá, việc đầu tư nhiều công trình, dự án trong những năm gần đây trên địa bàn đã góp phần không nhỏ đưa Đà Lạt phát triển theo hướng hiện đại hóa; kết cấu hạ tầng đường giao thông ngày càng hoàn thiện, xứng tầm với thành phố đô thị loại 1; tạo thuận lợi cho người dân và du khách đến với Đà Lạt.
Trong giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hiện trên địa bàn TP Đà Lạt đang triển khai thực hiện 82 dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư là 2.649, 8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là 2.292,1 tỷ đồng; ngân sách thành phố 357,7 tỷ đồng. Dự kiến, trong giai đoạn 2023-2025 nguồn ngân sách tỉnh cấp xây dựng 16 công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư 1.053,6 tỷ đồng; ngân sách Đà Lạt đầu tư 28 công trình với tổng mức đầu tư 351,5 tỷ đồng.
Với hệ thống thủy lợi, hiện có 4 dự án đang triển khai trên địa bàn Đà Lạt với tổng mức đầu tư trên 19,1 tỷ đồng. Giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo thành phố có 10 dự án dự kiến đầu tư với tổng mức 268,1 tỷ đồng.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng được Đà Lạt quan tâm đầu tư thích đáng, từng bước hiện đại hóa trường lớp cơ sở giáo dục cho công tác dạy và học. Hiện thành phố có 8 công trình - dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư 278,1 tỷ đồng. Có 9 dự án được đầu tư trong giai đoạn 2023-2025 với tổng mức đầu tư trên 172,5 tỷ đồng, trong đó có 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở và 1 dự án đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Hành chính TP Đà Lạt. Dự kiến sẽ có 19 công trình - dự án đầu tư cho những năm tiếp sau đó với tổng mức đầu tư trên 311,5 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực y tế, hiện có 3 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng. Dự kiến trong giai đoạn 2023-2025 thành phố có 1 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng; 1 dự án đầu tư theo hình thức kêu gọi nhà đầu tư cùng với việc đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất tại các Trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP Đà Lạt.
Về hạ tầng năng lượng, ngành điện lực dự kiến đầu tư 105 dự án phục vụ cải tạo, xây dựng và ổn định mạng lưới điện với tổng mức đầu tư 178,6 tỷ đồng. Hiện Đà Lạt đang kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng hệ thống đèn Led công nghệ cao, kết hợp xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh trên địa bàn thành phố và khu vực quanh hồ Xuân Hương.
Trong lĩnh vực viễn thông và hạ tầng viễn thông, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2747, ngày 12/11/2021 về kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP Đà Lạt giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện 16 tuyến đường 136,9 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa để thực hiện 41 tuyến đường 66,8 tỷ đồng.
Với hệ thống công viên, bãi đậu xe, thành phố tập trung lập quy hoạch và kêu gọi thu hút đầu tư để xây dựng công viên Xuân Hương, công viên Trần Quốc Toản, công viên Ánh Sáng… và các bãi đậu xe xung quanh thành phố như bãi đậu xe Prenn, bãi đậu xe Xuân Thọ, bãi đậu xe Cam Ly… nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong trung tâm.
Còn hệ thống cấp, thoát nước, thu gom xử lý nước thải; thành phố đang nỗ lực mở rộng mạng lưới cấp nước, thu gom xử lý nước thải tập trung trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025 toàn thành phố đạt tỷ lệ 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đồng thời tiếp tục đầu tư và hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mặt trên toàn địa bàn thành phố.
Về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Đà Lạt tiếp tục thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Phát Chi - Trạm Hành. Với hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ngoại ô; bố trí vốn ngân sách của thành phố và nguồn hỗ trợ của tỉnh để đối ứng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Tương tự đối với hạ tầng thương mại, bên cạnh hỗ trợ đầu tư phát triển các chợ truyền thống, Đà Lạt đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng thêm các trung tâm thương mại cũng như kêu gọi đầu tư dự án xây dựng chợ mới Phan Chu Trinh trên địa bàn với tổng mức đầu tư dự kiến 35 tỷ đồng.
Cùng đó Đà Lạt đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như Khu trung tâm Hòa Bình; các dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản (Trung tâm giao dịch hoa) nhằm tạo động lực phát triển.
Với các dự án khu dân cư, tái định cư và chung cư, nhà ở xã hội, Đà Lạt tiếp tục vận động, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các dự án khu dân cư mới, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn, trong đó thành phố cho biết sẽ có bước điều chỉnh quy hoạch Trung tâm giao dịch hoa và Khu dân cư, tái định cư Prenn; Khu quy hoạch dân cư Trường Xuân 2 (mở rộng); Khu dân cư tái định cư cụm công nghiệp Phát Chi - Trạm Hành; cho đầu tư cơ sở hạ tầng Khu dân cư - tái định cư 5B; dự án xây dựng chung cư đường Nguyên Tử Lực; xây dựng nhà ở xã hội tại Khu quy hoạch phân khu B3, Phường 9 và Phường 11; xây dựng nhà ở xã hội tại Khu quy hoạch phân khu C2, Phường 11 và Khu Nguyễn Hoàng - hồ Vạn Kiếp.
Để tiếp tục phát huy được những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Đà Lạt tiếp tục đưa ra các giải pháp như nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính; thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng.
Ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại TP Đà Lạt Trong khuôn khổ Kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2021-2025, TP Đà Lạt đã triển khai một số công trình nhằm nâng cao chất lượng, mỹ quan đô thị và hiệu quả của hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, tiến độ triển khai hiện tại đang đối mặt với một số khó khăn nên khá chậm. Theo thông tin từ Sở Xây dựng Lâm Đồng, từ khi Kế hoạch được thành lập dựa trên Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh, đã có một số công trình đã được thực hiện. Hiện tại, việc hạ ngầm (sử dụng ống HDPE) cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành trên tuyến đường Trần Phú với chiều dài 1,500 m. Đồng thời, các nút giao thông có đèn giao thông trên tuyến này cũng đã được nâng cấp hệ thống điện, chiếu sáng và viễn thông. Tuy nhiên, các tuyến Nguyên Tử Lực và Phan Đình Phùng chỉ thực hiện hạ ngầm (sử dụng ống HDPE) cho hệ thống điện và chiếu sáng, đạt khoảng 40% so với kế hoạch ban đầu. Điều này đồng nghĩa với việc triển khai ngầm hóa hệ thống trên các tuyến này đang gặp phải nhiều khó khăn và chưa đạt được tiến độ mong muốn. Được biết, việc triển khai Kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại Đà Lạt được thực hiện thông qua nguồn xã hội hóa. N.NGHĨA |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin