Hợp tác xã tham gia ''cuộc chơi'' xuất khẩu sầu riêng

DIỆP QUỲNH 06:00, 07/03/2024

Tại Lâm Đồng, niên vụ sầu riêng 2023 với giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho những nông hộ và doanh nghiệp liên kết. Việc xây dựng mã số vùng trồng, liên kết với nông hộ sầu riêng hiện đang tập trung nhiều doanh nghiệp có tiềm năng lớn. Và, một hợp tác xã (HTX) đã tham gia vào “cuộc chơi” xuất khẩu sầu riêng.

Thành viên HTX Sầu riêng hữu cơ Bảo Lộc đang trao đổi kỹ thuật cho nông hộ liên kết
Thành viên HTX Sầu riêng hữu cơ Bảo Lộc đang trao đổi kỹ thuật cho nông hộ liên kết

Anh Hồ Anh Tuấn, nông dân Thôn 3, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm hiện có 20 ha sầu riêng trồng thuần giống Dona. Vườn sầu riêng tám năm tuổi của anh đã mang lại nguồn thu rất tốt cho gia đình. Tuy nhiên, anh Tuấn vẫn trông đợi giá trị kinh tế từ sầu riêng sẽ tăng thêm. Vì vậy, anh đã tham gia xây dựng mã vùng trồng sầu riêng và đã được chấp nhận mã vùng trồng vào cuối năm 2023. Điều khá đặc biệt, anh là thành viên liên kết, xây dựng mã vùng trồng của HTX Sầu riêng hữu cơ Lâm Đồng chứ không phải là một doanh nghiệp. Không chỉ anh Tuấn, trên 60 thành viên liên kết với HTX thuộc xã Lộc Bảo, Lộc Thành, Lộc Đức huyện Bảo Lâm đã được chấp nhận mã số vùng trồng với vùng trồng 106 ha sầu riêng đang cho thu hoạch. 

Anh Nguyễn Thế Giáo - Giám đốc HTX Sầu riêng hữu cơ Lâm Đồng cho biết, HTX cũng mới được thành lập năm 2022 với 9 thành viên. Mục tiêu ngay từ khi thành lập của HTX là liên kết cùng nông hộ, xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu trái sầu riêng Lâm Đồng. HTX đóng chân trên địa bàn xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, vùng trồng của HTX chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Anh Giáo cho biết: “Hiện tại những khu vực canh tác sầu riêng tập trung tại các địa bàn gần đã tham gia các liên kết với nhiều doanh nghiệp. HTX “sinh sau đẻ muộn” nên chúng tôi chọn phương pháp liên kết với các nông hộ tại những vùng xa như Tộc Thành, Lộc Bảo. Trong đó, xã Lộc Bảo có 19 nông hộ tham gia và xã Lộc Thành có 23 nông hộ tham gia. Hợp tác xã đã được cấp 3 mã vùng trồng tại Lộc Bảo và Lộc Thành, đồng thời đang xây dựng thêm 2 mã vùng trồng tại xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm”.

Để xây dựng mã số vùng trồng an toàn, chặt chẽ, anh Nguyễn Thế Giáo và thành viên HTX Sầu riêng hữu cơ Bảo Lộc đã liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, làm việc với từng nông hộ trồng sầu riêng, phân tích cặn kẽ, cụ thể với bà con về hiệu quả khi liên kết cùng HTX để xuất khẩu. Theo anh Giáo, điểm mạnh là bà con nông dân trồng sầu riêng rất hiểu về quy trình cũng như lợi ích khi tham gia liên kết cùng xây dựng mã vùng trồng. Vì vậy, các nông hộ liên kết đều xác định, phải tuân thủ quy trình chăm sóc đúng hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, chú trọng đặc biệt tới việc không sử dụng thuốc ngoài danh mục. 

Tính đến thời điểm hiện tại, HTX Sầu riêng hữu cơ Lâm Đồng đã có 106 ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng. Với diện tích này, sản lượng trái niên vụ 2024, HTX tính toán xấp xỉ đạt 3 ngàn tấn trái tươi. Anh Giáo chia sẻ, HTX đã có liên kết với mã cơ sở đóng gói của Công ty Đức Huệ Lâm Đồng, gia công đóng gói sầu riêng để tham gia vào cuộc đua xuất khẩu. Cũng vì vậy, các thành viên HTX thường xuyên tới vườn từng nông hộ, cùng động viên, hướng dẫn thêm cho bà con về kĩ thuật, nhắc nhở bà con chú ý tới sử dụng thuốc đúng danh mục. Cả HTX và nông hộ liên kết đều ý thức rõ một điều, chất lượng sầu riêng sẽ là mấu chốt cho việc trái sầu riêng xuất khẩu lâu dài và bền vững.

Anh Hồ Anh Tuấn, thành viên liên kết với HTX nhận xét, HTX thường xuyên tới hỗ trợ nông dân hoàn thiện các thủ tục xây dựng mã số vùng trồng, hướng dẫn kĩ thuật cũng như cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cả tốt. Theo anh, nông dân phải có tầm nhìn xa, chủ động liên kết với HTX hoặc doanh nghiệp, tham gia các mã vùng trồng mới có cơ hội đưa trái sầu riêng xuất khẩu. Anh cũng cho biết, bản thân anh cũng như các nông hộ đều áp dụng chuẩn quy trình canh tác, quản lý dịch hại theo đúng quy định. Anh đang rất hồi hộp chờ đón niên vụ sầu riêng 2024, mong đợi sầu riêng từ vườn gia đình sẽ đến với thị trường thế giới.

 Anh Nguyễn Quang Huy- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm thông tin, Bảo Lâm có 3200 ha sầu riêng, trong đó trên 1000 ha đã có mã vùng trồng. Việc tham dự “cuộc chơi” xuất khẩu của HTX Sầu riêng hữu cơ Lâm Đồng đã mở thêm cơ hội mới cho nông dân, thúc đẩy nông dân tham gia liên kết sản xuất- xuất khẩu sầu riêng. Anh Huy cũng cho biết thêm, hầu hết các vùng sầu riêng lớn, canh tác tập trung của huyện Bảo Lâm sẽ phải tính đến xây dựng mã vùng trồng, trái sầu riêng sẽ có hướng tiêu thụ phù hợp, đạt giá cao và mang lại lợi ích bền vững cho người nông dân.