Để tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đan Phượng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế |
Nhờ được tuyên truyền, vận động và chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để phát triển kinh tế, đến cuối năm 2015, gia đình ông Nguyễn Đức Vụ (67 tuổi, thôn Nhân Hòa) đã được thôn rà soát đảm bảo đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Ông Vụ cho hay, năm 1996, ông từ Bắc Ninh vào xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà sinh sống và lập nghiệp. Lúc đó, gia đình chủ yếu chỉ biết trồng cà phê để trang trải cuộc sống. Dần về sau, nhận thấy cà phê giảm giá từng ngày nên quyết định chuyển đổi sang trồng loại cây khác nhằm cải thiện thu nhập. “Sau khi bàn bạc với vợ vay mượn ngân hàng và được sự hỗ trợ vay vốn của địa phương, năm 2017, tôi bắt đầu trồng xen cà phê, hơn 1.000 gốc cam và 100 cây sầu riêng trong vườn. Dự kiến năm nay, gia đình thu về hơn 10 tấn sầu riêng với giá bán cho thương lái tại Di Linh mua nguyên vườn theo giá thị trường” - ông Vụ nói.
Hay tại thôn Đoàn Kết, sau nhiều năm bén rễ, sinh sôi trên vùng đất Đan Phượng, nghề “ăn cơm đứng” đã phát triển ổn định và mang lại thu nhập cao cho gia đình chị Hoàng Thị Thủy. “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng cà phê để có thu nhập ổn định hằng năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, cà phê có giá thành thấp, tôi chuyển qua trồng dâu, nuôi tằm với loại giống mới”, chị Thủy cho hay.
Gắn bó với “nghề ăn cơm đứng”, chị Thủy bắt đầu có thêm nhiều kinh nghiệm trồng dâu và nuôi tằm hiệu quả. Chị Thủy cho biết, trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều, để tằm phát triển tốt, gia đình cũng đã đổi cách nuôi truyền thống trên nong, né sang nuôi tằm trên khay trượt. Việc này giúp tiết kiệm diện tích nuôi tằm, đảm bảo nhà tằm sạch sẽ, thông thoáng, tằm ít bị bệnh hơn.
“Chi phí đầu tư ban đầu không quá cao, kỹ thuật nuôi trồng không khó, thu hồi vốn nhanh, cho thu nhập ổn định, trồng dâu, nuôi tằm đã và đang được nhiều nông dân như tôi lựa chọn để phát triển sản xuất. Trung bình mỗi tháng, gia đình thu được 1 đến 2 hộp kén tằm từ 5 sào dâu với mức thu nhập hiện nay là 15 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Nhờ cây dâu, con tằm, gia đình không chỉ vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn tự tin làm giàu”, chị Thủy nói.
Tại xã Đan Phượng, hiệu quả kinh tế của các loại cây như mắc ca, bơ, sầu riêng, dâu… như một luồng gió mới, thay đổi nhận thức rõ rệt của người dân địa phương trong cách làm kinh tế. Không chỉ riêng gia đình chị Thủy, hiện nhiều hộ dân khác trong xã cũng bắt đầu chuyển đổi những vườn cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái; qua đó, nhiều người dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương.
Để thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân nhằm phát triển những mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, xã Đan Phượng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, lựa chọn cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân để phát triển kinh tế, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, bảo đảm sản xuất an toàn. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây giống, vật tư phục vụ sản xuất.
Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho hay: Trước đây, khi người dân Đan Phượng đi theo diện kinh tế mới, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, phần đa diện tích đất bà con trồng cà phê. Tuy nhiên, càng về sau, nguồn kinh phí bỏ ra mua phân bón, thuê người hái… cùng với yếu tố giá cà phê giảm dần khiến kinh tế của người dân càng thêm phần khó khăn hơn. Còn ít năm trở lại đây, kinh tế nông nghiệp của xã có sự tăng trưởng liên tục, giá trị sản xuất tăng cao. Trên địa bàn hình thành nhiều mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như bơ, mắc ca, sầu riêng, dâu tằm...
Đến nay, diện tích tự nhiên của xã Đan Phượng là 4.627 ha, diện tích đất nông nghiệp khoảng 4.131 ha; trong đó diện tích cây cà phê khoảng 2.534 ha, năng suất trung bình đạt 38 tạ/ha, diện tích cây ăn quả là khoảng 406.1 ha, cây dâu tằm là khoảng 181 ha với năng suất 292 tạ/ha và cây lúa là khoảng 16 ha với năng suất là 41.6 tạ/ha. Riêng trong năm 2023, toàn xã đã trồng khoảng 438 ha gồm mắc ca, sầu riêng, bơ, mít với số cây 51.800 cây.
Từng là địa phương có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, giờ đây, Đan Phượng dần “thay da đổi thịt”. Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng khẳng định: “Trong thời gian tới, xã Đan Phượng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua việc duy trì và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, từ đó hình thành vùng sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho việc cơ giới hóa sản xuất và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, nghiên cứu đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất để giúp người dân nâng cao thu nhập, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững; đặc biệt là những loại cây thế mạnh của xã như dâu tằm…Địa phương cũng không ngừng khuyến cáo người dân tuân thủ theo đúng quy hoạch, không chạy theo phong trào, khi đưa vào những giống cây trồng mới cần phải làm thử nghiệm, nếu thấy hiệu quả kinh tế mới nhân rộng”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin