Nông dân vùng sâu xây dựng mã số vùng trồng

DIỆP QUỲNH 06:25, 21/03/2024

Giữa vùng sâu Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, một nông hộ đã xây dựng thành công mã số vùng trồng sầu riêng. Hướng mở từ nhu cầu xuất khẩu của người nông dân đã cho thấy hướng đi tích cực, xây dựng đầu ra bền vững cho nông sản.

Ông Hồ Anh Tuấn kiểm tra vườn sầu riêng
Ông Hồ Anh Tuấn kiểm tra vườn sầu riêng

 

Ông Hồ Anh Tuấn là nông dân tại thôn Ba, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, một vùng chuyên canh nông nghiệp khá xa trung tâm. Điều đặc biệt với ông Tuấn là cuối năm 2023, vườn nhà ông đã hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng mã số vùng trồng và đã thành công, được đối tác cấp 1 mã số vùng trồng. Đây là kết quả vô cùng phấn khởi với người nông dân, đánh dấu hướng làm ăn lớn, xác định mục tiêu xuất khẩu trái sầu riêng.

Ông Hồ Anh Tuấn cho biết, trang trại sầu riêng của gia đình có diện tích 20 ha. Từ năm 2016, khi xuống giống, ông đã xác định trồng sầu riêng theo hướng sản xuất lớn, sản xuất đồng loạt, cung cấp cho thị trường sản lượng trái với chất lượng ổn định. Vì vậy, ông Tuấn không trồng xen sầu riêng với các cây trồng khác mà xác định trồng thuần, với 100% giống sầu riêng Dona. Sau tám năm canh tác, vườn sầu riêng của gia đình đã bước vào chu kỳ khai thác ổn định. Ông cho biết, niên vụ sầu riêng 2023, ông thu được 200 tấn trái. Với giá ổn định 60 ngàn đồng/ kg, ông Tuấn thu nhập hàng tỷ đồng từ diện tích sầu riêng của gia đình.

Nhưng, với tầm nhìn của một nhà nông sản xuất lớn, ông xác định phải chuyển hướng xuất khẩu cho trái sầu riêng. Năm 2023, ông Hồ Anh Tuấn liên kết cùng HTX Sầu riêng hữu cơ Lâm Đồng để xây dựng mã vùng trồng. Với lợi thế diện tích lớn, sầu riêng trồng thuần, canh tác theo hướng an toàn, trang trại sầu riêng của ông Hồ Anh Tuấn nhanh chóng đáp ứng yêu cầu, được cấp mã số vùng trồng để tham gia xuất khẩu. Hiện tại, vườn sầu riêng đang bước vào giai đoạn sổ nhị. Tối nào, ông Tuấn và người làm trong trại đều đi thụ phấn cho sầu riêng. Ông đánh giá, với 1.300 cây sầu riêng đang độ thu hoạch, năng suất sầu riêng niên vụ 2024 sẽ ở mức 300 tấn trái tươi.

Ông Hồ Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia canh tác sầu riêng: “Sầu riêng là cây trồng lâu năm, tới năm thứ năm mới cho trái bói. Vì vậy, khi xuống giống, phải đảm bảo nguồn giống thật chuẩn, mua giống từ các cơ sở cung cấp có uy tín, có cam kết. Chỉ khi có nguồn giống chuẩn, cây sầu riêng mới đạt chất lượng, sản lượng theo đúng mục tiêu của người nông dân”. Vườn sầu riêng của gia đình ông Hồ Anh Tuấn được trồng khá thưa, 20 ha đất, ông chỉ trồng 1.300 cây. Ông áp dụng kĩ thuật cắt ngọn, khi cây sầu riêng đạt độ cao 4 - 5 m sẽ hạ đọt, để cây phát triển cành ngang. Theo quan điểm của ông, cây sầu riêng hạ ngọn, phát triển cành ngang vừa dễ chăm sóc, sầu riêng ra trái tốt hơn. Tuy nhiên, muốn hạ đọt, phát triển cành ngang, mật độ trồng phải đáp ứng đủ nhu cầu của cây, diện tích trồng thưa, khoảng 100 cây/ha.

Ông Hồ Anh Tuấn cũng cho biết, khi tham gia thị trường xuất khẩu theo liên kết với doanh nghiệp, người nông dân phải đảm bảo tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật. Trong đó, chú ý đặc biệt việc không phun, bơm những chất ngoài danh mục. Chỉ sử dụng các loại thuốc, phân bón nằm trong danh mục được cho phép của ngành Nông nghiệp. Ông tâm sự: “Dù với giá bán nội địa, người nông dân trồng sầu riêng đã có thu nhập cao. Nhưng muốn xuất khẩu bền vững, đưa trái sầu riêng ra nước ngoài, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, người nông dân cũng phải quen với việc chấp hành nghiêm khắc yêu cầu của ngành Nông nghiệp. Tôi cũng như những nông dân trong liên kết xây dựng mã số vùng trồng đều chấp hành rất nghiêm túc hướng dẫn của hợp tác xã cũng như hướng dẫn của ngành Nông nghiệp”.

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm đánh giá, trang trại sầu riêng của ông Hồ Anh Tuấn là một điển hình của nông dân hội nhập. Ngay khi xây dựng vùng canh tác, ông Tuấn đã xác định xu thế sản xuất lớn, sản xuất nông sản ổn định. Vườn sầu riêng của ông được đảm bảo canh tác đúng chuẩn an toàn. Do đó, ông Hồ Anh Tuấn đã nhanh chóng được cấp mã số vùng trồng, niên vụ sầu riêng 2024 có thể tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như tham gia xuất khẩu các thị trường khác. Đây là một hướng mở rất mới cho người nông dân vùng sâu Lộc Bảo. Không chỉ có hộ ông Hồ Anh Tuấn, nhiều nông hộ khác trong vùng đã liên kết cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã và đã thành công, nhiều mã số vùng trồng ở vùng sâu đã được hình thành, đánh dấu một tương lai tươi sáng cho cây sầu riêng vùng sâu Bảo Lâm.