(LĐ online) - Ngày 1/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Tiêu độc, khử trùng xe chở gia súc qua Trạm Kiểm kiểm dịch động vật Eo Gió, huyện Đơn Dương |
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 6 tỉnh với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là 8.924 con. Đối với bệnh dại, đã có 18 người tử vong ở 14 tỉnh, thành phố. Số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng đã lên tới gần 70.000 người, trên động vật có 27 ổ bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát, không có ổ bệnh dại trên động vật và không có người tử vong do bệnh dại.
Tuy nhiên, kết quả giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm tại 4 chợ bán gia cầm sống trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà và TP Đà Lạt từ tháng 6 đến tháng 12/2023 cho thấy, tỷ lệ mẫu dương tính với vi rút gây bệnh cúm gia cầm A/H5N1 khá cao (13,1%). Trên đàn gia súc, ngày 29/1/2024 cũng đã phát sinh 1 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.
Do đó, để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi; ngăn ngừa bệnh truyền lây cho người, bảo đảm sức khỏe con người, an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi; đồng thời, triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch của địa phương về phòng, chống dịch bệnh động vật.
Trên cơ sở số lượng hóa chất đã được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phân bổ, các địa phương tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 1/2024 trong thời gian từ ngày 1 tới 31/3.
Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm; công bố dịch, tổ chức chống dịch theo đúng quy định.
Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại, cần chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh.
Chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận vắc xin và tổ chức tiêm phòng đợt 1/2024 cho đàn vật nuôi; trong đó, tiêm vắc xin cúm gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn diện tiêm. Đối với bệnh dại, tiêm vắc xin cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ đạt trên 70% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin