Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31, ngày 18/3/2024, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đặt vấn đề: Bộ Tài chính có phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế thu nhập cá nhân và người phụ thuộc trong thời gian tới chưa, mức giảm trừ bao nhiêu là phù hợp? Theo đại biểu, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, mức trừ 11 triệu đồng với cá nhân nộp thuế và 4,4 triệu đồng với người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được áp dụng đến nay không còn phù hợp trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng hằng năm và tình hình kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị quan tâm nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân, góp phần tăng tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng thời gian tới.
Trước đó, tháng 11/2023, khi thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nêu ý kiến về thuế thu nhập cá nhân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, quy định về mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh, phân chia bậc lũy tiến... “có nội dung đã lạc hậu cả chục năm, bất cập rất lớn”. Theo đại biểu, thuế thu nhập cá nhân với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, phân chia bậc lũy tiến, mức giảm trừ gia cảnh... không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát... và đề nghị sớm sửa Luật để đáp ứng đòi hỏi từ cuộc sống.
Trên thực tế, quy định ngưỡng thu nhập phải nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh đã có rất nhiều ý kiến phản ánh trong thời gian gần đây và hầu hết đều cho rằng đã quá lạc hậu, cần sớm có sự sửa đổi. Theo đó, mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên, không chỉ là đủ cơm no, áo ấm, mà còn là chi phí học hành, khám, chữa bệnh, du lịch, vui chơi, giải trí..., tất cả đều có mức giá tăng lên rất nhiều so với trước. Thời gian gần đây, còn có nhiều ý kiến phản ánh về việc người có thu nhập hơn 11 triệu đồng, thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức thu nhập ấy không đủ lo cho cuộc sống, nhất ở ở thành thị và nếu không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội là còn tước đi quyền lợi chính đáng của công nhân lao động. Thực tế, mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn là người có thu nhập thấp ở đô thị. Ngoài ra, khi mức lương cơ sở tăng nhưng không giải quyết được câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế sẽ khiến người dân chịu áp lực và mất đi ý nghĩa; chưa nói tới giá cả hàng hóa leo thang từng ngày, mức tăng giá cao hơn nhiều so với tăng lương.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận vấn đề này nhưng cũng nhấn mạnh, hiện vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thì phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bộ trưởng cho biết, theo kế hoạch, năm 2025 mới bắt đầu sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó Bộ Tài chính mới nêu quan điểm và lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân, cơ quan; mới xây dựng lại yếu tố giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Được biết, gần đây, chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội được điều chỉnh linh hoạt đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tế cuộc sống. Câu chuyện thuế thu nhập cá nhân lạc hậu hàng chục năm cần phải được xác định là một trong những ưu tiên để sửa Luật. Hơn nữa, tại phiên họp của Thủ tướng Chính phủ mới đây tháo gỡ khó khăn trong xây dựng, mua, bán nhà ở xã hội, đã có đề xuất nâng mức thu nhập lên 15 triệu đồng được mua nhà ở xã hội. Vì vậy, càng không nên để việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân quá chậm trễ, đi sau cuộc sống, kéo dài sự bất cập, không phù hợp với thực tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin