Tìm cách tháo gỡ vướng mắc về lập quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư công

DIỄM THƯƠNG 18:08, 11/03/2024

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét tháo gỡ vướng mắc về quy định lập quy hoạch chi tiết các dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình mới theo quyết sử dụng vốn đầu tư công theo hướng rút gọn hoặc chỉ lập quy hoạch tổng thể mặt bằng. 

Theo UBND tỉnh đánh giá từ triển khai thực tế, việc quy định bắt buộc lập quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư công trong khu vực đã có công trình hiện trạng; công trình theo tuyến phải lập quy hoạch chi tiết trước khi lập, thẩm định dự án còn nhiều khó khăn, bất cập.

Theo đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng bổ sung (xen cấy) hoặc nâng cấp, mở rộng làm tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất thuộc dự án đã có công trình hiện trạng, xây dựng trên khu đất đã sử dụng ổn định chức năng sử dụng đất thì không yêu cầu lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng rút gọn trình thẩm định, phê duyệt, nhưng các chỉ tiêu quy hoạch trong bản vẽ tổng mặt bằng dự án phải phù hợp chỉ tiêu quy hoạch, hình thức kiến trúc của khu vực, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng áp dụng cho dự án.

Cũng theo UBND tỉnh, việc quy định bắt buộc lập quy hoạch chi tiết đối với các dự án đầu tư công (Điều 1, 3 của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP), nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công trình (trường học, bệnh viện, trụ sở lại việc…) trong khu vực đã có công trình hiện trạng; công trình theo tuyến phải lập quy hoạch chi tiết trước khi lập, thẩm định dự án là rất khó khăn. Quá trình lập, thẩm định quy hoạch chi tiết (thường sẽ thực hiện sau khi có chủ trương đầu tư dự án) sẽ ảnh hưởng tới thời gian tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, một số khu vực thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết trước khi lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, khu vực chưa có quy hoạch cấp trên được phê duyệt, do đó không có cơ sở lập quy hoạch chi tiết, dẫn đến không đủ cơ sở triển khai lập thẩm định, phê duyệt dự án, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cho rằng, quy trình lập tổ chức lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tối thiểu 45 ngày (trong đó, 39 ngày công khai xin ý kiến), dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Dự toán chi phí quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (đối với các dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, mở rộng và đã có quy hoạch chung) hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, đơn vị tổ chức lập quy hoạch các dự án tạm vận dụng Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức lập quy hoạch, việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chi phí của đơn vị tổ chức lập quy hoạch. Đồng thời, tỷ lệ chi phí lập quy hoạch chi tiết (khoảng 2%) trên tổng mức đầu tư của dự án khá cao.

Theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu được mời các tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp tham gia thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định, định mức cụ thể cách tính chi phí mà chủ đầu tư phải thanh toán cho các tổ chức, cá nhân được mời kiểm tra công tác nghiệm thu, gây khó khăn lúng túng cho các cơ quan liên quan.

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cơ quan chức năng liên quan bổ sung hướng dẫn, hoặc ban hành định mức cụ thể về cách tính chi phí cho chủ đầu tư phải thanh toán cho các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền mời kiểm tra công tác nghiệm thu, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.