Những ngày xuân 2024, người trồng mận xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương nhận được niềm vui, cây mận của bà con vừa được cấp mã số vùng trồng đầu tiên. Những trái mận tam hoa, mận cơm, mận hậu đất cao nguyên đã được tạo tiền đề trên con đường mở rộng vùng mận cửa ngõ.
Anh Cao Văn Thản, nông dân đầu tiên xây dựng mã số vùng trồng cho cây mận Đạ Chais |
Anh Cao Văn Thản, nông dân thôn Đông Mang, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương vừa đón nhận mã số vùng trồng cho vườn mận của gia đình. Vốn là người nông dân đất đồng bằng Hưng Yên, anh Cao Văn Thản đã gắn bó với vùng đất Đông Mang cả tuổi thanh niên. Anh Thản kể lại, cũng như hầu hết nông dân huyện Lạc Dương, bà con thôn Đông Mang vốn sống nhờ vào cây cà phê. Công nhiều, chi phí cao, đầu tư lớn, thu hoạch bấp bênh, người nông dân trồng cà phê gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, anh đã chuyển hướng sang cây mận, một loại cây trái của vùng núi phía Bắc.
Với diện tích gần 2 ha, chuyên trồng giống mận tam hoa nổi tiếng của vùng núi phía Bắc, mỗi năm, anh Cao Văn Thản thu hàng chục tấn trái. Không chỉ cung cấp trái mận tươi, anh Thản còn tạo dựng một không gian mênh mông màu hoa trắng vào mỗi dịp tết đến xuân về. Khi vườn mận nở hoa, những vầng trắng bồng bềnh thu hút rất nhiều du khách đến với thôn Đông Mang. Anh Cao Văn Thản và nhiều bà con đã tạo được một nét cuốn hút, hấp dẫn với khách du lịch suốt tuyến đường cửa ngõ thành phố, nối cao nguyên Lâm Viên với đất biển Nha Trang.
Mận Đạ Chais, với định hướng phục vụ chủ yếu cho du lịch đã bắt đầu ghi dấu ấn trong lòng du khách. Nhưng, để cây mận xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho du khách, người tiêu dùng thưởng thức những trái mận Đạ Chais thực thụ, anh Cao Văn Thản đã tích cực xây dựng mã số vùng trồng. Và, anh đã được nhận mã số vùng trồng cho vườn mận gia đình vào những ngày xuân Giáp Thìn. Anh cho biết, xây dựng mã số vùng trồng, anh phải cập nhật cả quy trình sản xuất, người tiêu dùng có thể biết trái mận vừa hái trên cây thuộc giống nào, được tưới nước vào thời gian nhiệt độ cao, ít mưa ra sao, gốc ghép trên cây đào như thế nào…, tạo sự yên tâm rất lớn cho người tiêu dùng về nguồn gốc cũng như quy trình chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Dân - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đông Mang cho biết, trong xã Đạ Chais, thôn Đông Mang là thôn có sản lượng mận lớn nhất, bà con trồng tập trung với diện tích nhiều. Ông Dân chia sẻ, người dân thôn Đông Mang trồng mận chủ yếu phục vụ du lịch. Vào dịp sau tết, những vườn mận nở hoa trắng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vãn cảnh. Sau hai tháng, những cây mận Đông Mang đã kết thành trái ngọt. Là một trong những người nông dân trồng mận sớm nhất thôn Đông Mang, ông Dân nhận xét, cây mận trồng tại Đạ Chais có hương vị và chất lượng khác hơn so với cây mận gốc xứ Bắc. Người Đạ Chais trồng các loại mận phổ biến như mận tam hoa, mận hậu, mận cơm. Trái mận Đạ Chais không to như mận miền núi phía Bắc nhưng có độ giòn đặc biệt. Đồng thời, sức hấp dẫn của việc được tự tay hái mận từ trên cây, vị tươi, giòn của trái mận địa phương đã giúp du khách yêu thích cây mận Đạ Chais. Ông Dân cho biết thêm, Hội Nông dân cũng như chính quyền xã hết sức hỗ trợ bà con mở rộng diện tích mận. Chỉ từ một vài vườn ban đầu, nay mận đã được trồng rải rác khắp các thôn dọc tuyến đường 723.
Anh Vũ Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais cho biết, trong quy hoạch nông nghiệp của địa phương, cây mận được khuyến khích bà con canh tác, trong đó chú trọng tới các cung đường du lịch. Xã, từ nhiều nguồn tài chính, đã chuẩn bị giống mận để vào mùa mưa sẽ hỗ trợ tới nông dân. Ngoài ra, xã cũng khuyến khích các nông hộ có kinh nghiệm trồng mận chuyển giao kĩ thuật cho các nông hộ mới làm quen. Anh Vũ Hoàng Đăng Khoa nhận xét, với sự yêu thích của người tiêu dùng với cây mận Đạ Chais, người nông dân có thể tạo thêm một nguồn thu nhập tốt từ loại trái cây đặc sản này. Và, để đồng hành cùng nông dân xây dựng thương hiệu cho cây mận Đạ Chais, chính quyền xã cũng như ngành Nông nghiệp cùng hỗ trợ người nông dân xây dựng mã số vùng trồng.
Anh Vũ Hoàng Đăng Khoa cho biết, mã số vùng trồng đầu tiên đã được cấp cho vườn mận của gia đình nông dân Cao Văn Thản. Đây là bước mở đầu để những nông hộ trồng mận tiếp tục nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng, tập trung sản xuất, hình thành vùng mận tập trung phục vụ du lịch cũng như hái trái phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây cũng sẽ là một điểm nhấn trên cung đường du lịch, kết nối giữa phố núi Đà Lạt và phố biển Nha Trang.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin