Hội đồng Khoa học Công nghệ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa đánh giá tính cấp thiết của đề tài “Nghiên cứu quản lý tổng hợp rệp sáp (Planococcus minor; Pseudococcus jackbeardsleyi) gây hại quả sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Đề tài dự kiến đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ triển khai từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2025, tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.
Theo Hội đồng, đề tài vừa nêu là một nhiệm vụ khoa học công nghệ mới, không trùng lắp với các đề tài quản lý dịch hại tổng hợp khác đã và đang triển khai trên cây trồng trong toàn tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, đề tài có tính liên ngành, liên vùng cao, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm sầu riêng theo yêu cầu của nước nhập khẩu, qua đó chuyển giao, nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Được biết, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 20.363,5 ha sầu riêng, tập trung các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm…, đạt tổng sản lượng gần 124.000 tấn. Đến năm 2030, phấn đấu tăng lên 30.000 ha với 270.000 tấn.
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng đã cấp 65 mã số vùng trồng sầu riêng với 3.416 ha phuc vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Trước đó từ tháng 7/2022, Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc với các ràng buộc về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, các biện pháp về quản lý dịch hại tổng hợp, nhất là đối với các loại rệp sáp gây hại.
“Bên cạnh đó, vào tháng 1/2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo các lô hàng trái cây của Việt Nam nhiễm bệnh rệp sáp thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật, trong đó tỉnh Lâm Đồng có 10 vùng sầu riêng vi phạm. Trên cơ sở đó, việc đề xuất thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu quản lý tổng hợp rệp sáp (Planococcus minor; Pseudococcus jackbeardsleyi) gây hại quả sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” là thực sự cấp thiết hiện nay”, Hội đồng Khoa học Công nghệ - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng kết luận.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin