Sử dụng hàng hóa, sản phẩm địa phương chính là cách góp phần ủng hộ bà con nông dân, doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh với nhiều sản phẩm ngon, chất lượng, an toàn, rõ nguồn gốc...
Người Lâm Đồng luôn lựa chọn và ưu tiên sử dụng hàng hóa được trồng, sản xuất tại địa phương đảm bảo an toàn, chất lượng |
Với lợi thế “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, Lâm Đồng luôn là vùng đất trù phú để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Người Lâm Đồng hay người Việt Nam ở khắp các tỉnh trong cả nước, hoặc người nước ngoài đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh đều cơ bản gặp thuận lợi. Dưới sự định hướng của Nhà nước, chính quyền địa phương, trong xu hướng phát triển ngày hàng hiện đại, thông minh, hàng trăm sản phẩm hàng hóa, các mặt hàng tiêu dùng được ra đời và mang đến tay người tiêu dùng rất phong phú, đẹp, chất lượng. Có thể kể ra một số mặt hàng của Lâm Đồng và đã có thương hiệu, đang chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng như: Hoa, rau, củ, quả Đà Lạt, atiso Đà Lạt, trà Ô long Cầu Đất, trà B’Lao, chè đen, chè xanh Lâm Đồng, cà phê Cầu Đất, ca cao, mắc ca Lâm Đồng, sầu riêng Đạ Huoai, điều Đạ Huoai, hồng D’ran Đơn Dương, dứa Cayenne Đơn Dương, cam ruột đỏ Cara, tương chao Bông Mai Đơn Dương, khoai lang Tà Nung, dâu tây Đà Lạt, nếp Quýt Đạ Tẻh, gạo Hạt Ngọc Cát Tiên; các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp khác như lụa tơ tằm Bảo Lộc, mây tre đan các huyện phía Nam, len Đà Lạt, gốm Churu Đơn Dương... Hiện nay, hầu hết các sản phẩm đều hướng đến xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn sao OCOP. Mục tiêu là để tôn vinh hàng Việt, nâng giá trị sản phẩm nội địa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Đơn cử như, nhằm vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường tổ chức bán hàng Việt phục vụ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Công thương đã phối hợp, hỗ trợ cho Công ty TNHH Sài Gòn Coop Bảo Lộc (Siêu thị Co.opmart Bảo Lộc) tổ chức 3 chuyến bán hàng Việt về nông thôn phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của Nhân dân, với 100% là hàng Việt. Qua đó, đã cung ứng hàng hóa Việt đến người tiêu dùng nông thôn thuận lợi, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Hay như các Chương trình “Tuần hàng nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng” tại Co.opmart Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và nhiều tỉnh, thành khác, có hàng chục doanh nghiệp tham gia chương trình, với nhóm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản chế biến, sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt, sản phẩm được cấp nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”... Ngoài ra, phối hợp tổ chức nhiều điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng; 1 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại TP Đà Lạt trưng bày và bán các sản phẩm “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP… Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng về các sản phẩm ngon, chất lượng, an tòan, rõ nguồn gốc…
Đồng hành cùng doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ hàng hóa, chính quyền và các đơn vị chức năng của tỉnh đã và đang tiếp tục quan tâm, định hướng, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản hàng hóa của tỉnh ngày càng phát triển mạnh hơn. Được biết, đến nay, tòan tỉnh đã có có 113 nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được cấp giấy chứng nhận (trong đó có 109 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 1 tổ chức sản xuất và kinh doanh rau, 3 cơ sở kinh doanh cà phê). Hiện, tỉnh Lâm Đồng có 767 nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 648 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 94 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 15 cơ sở kinh doanh cà phê. Riêng nhãn hiệu Cà phê Cầu Đất có 22 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận, 47 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” được cấp giấy chứng nhận và 21 nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” được cấp giấy chứng nhận.
Đại diện Sở Công thương cho biết, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thời gian qua, thành quả đến nay sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Lâm Đồng được công nhận cấp quốc gia có 18 sản phẩm, cấp khu vực có 31 sản phẩm và cấp tỉnh có 82 sản phẩm. Lâm Đồng hiện có trên 239 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, trong đó có 9 sản phẩm 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao, 136 sản phẩm 3 sao. Các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã thường xuyên phối hợp tổ chức xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Qua đó, đã khuyến khích, vận động, xã hội hóa trong việc nhân rộng, phát triển điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”; giới thiệu nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đó, tạo hệ thống phân phối hàng Việt phủ khắp khu vực trong tỉnh, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, có một số vấn đề khiến người tiêu dùng hiện nay vẫn còn băn khoăn, lo ngại. Chị Nguyễn Thị Hoa - Phường 4, TP Đà Lạt chia sẻ: “Hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang trôi nổi rất nhiều trên thị trường, đó là vấn đề nhức nhối trong xã hội, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm giảm uy tín của nhà sản xuất chân chính, điển hình như đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh, kể cả phân bón, thuốc trừ sâu. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng, cơ quan có thẩm quyền cần sớm hòan thiện các quy định của pháp luật, có chế tài mạnh mẽ, đồng thời giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan thực thi pháp luật, xử lý nghiêm, mạnh tay các cơ sở, cửa hàng vi phạm. Có làm được như vậy thì mới dần dần đẩy lùi được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn, mới bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng chúng tôi”.
Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: “Có thể thấy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khẳng định được vai trò, ý nghĩa cũng như tính thực tiễn khi thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Người dân trong tỉnh đã và tin dùng, lựa chọn sử dụng hàng hóa trong tỉnh, trong huyện rất nhiều. Dựa trên những lợi thế này, các đơn vị doanh nghiệp không ngừng cải tiến, chất lượng mẫu mã sản phẩm; các cấp, các ngành của địa phương tiếp tục làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động giúp thay đổi nhận thức, thói quen người tiêu dùng khi sử dụng hàng nội địa và tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân; từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương và đất nước phát triển”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin