(LĐ online) - Lâm Đồng là địa phương có sự khác biệt rất lớn hệ sinh thái nông nghiệp (HSTNN) so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tỉnh đã có nhiều chính sách để làm phong phú các thuộc tính của HSTNN, đặc biệt là sức sản xuất; đồng thời tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ, nghiên cứu đổi mới sáng tạo nhằm phát huy đồng bộ các thuộc tính của HSTNN, thực hiện các giải pháp đột phá để ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Lâm Đồng là địa phương tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững trong vòng trên 20 năm qua. Ảnh: Chính Thành |
• NHỮNG KHÁC BIỆT CƠ BẢN HỆ SINH THÁI NÔNG NGHIỆP LÂM ĐỒNG
Hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm 4 thuộc tính chính: Sức sản xuất; Tính ổn định; Tính bền vững và Sự công bằng. Sức sản xuất là lượng sinh khối tạo ra, giá trị doanh thu/đơn vị diện tích với thời gian; Tính ổn định là mức độ thích ứng mà ở đó sức sản xuất được duy trì trong điều kiện những tác động do các yếu tố môi trường gây nên; Tính bền vững là thuộc tính chi phối đến sức sản xuất của hệ thống trong điều kiện những rối loạn lớn hơn; Sự công bằng là sự phân chia thành phẩm cho các cá nhân trong hệ thống.
Như vậy, trước yêu cầu biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và sự cạnh tranh chuỗi giá trị nông sản toàn cầu hết sức khốc liệt, thực tế đặt ra nhiều vấn đề mới; vừa cơ hội vừa thách thức cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và bà con nông dân cũng cần có tư duy sản xuất thích ứng mới; câu hỏi đặt ra các bên liên quan cần phải làm gì và làm như thế nào để có những giải pháp cốt lõi nhằm tác động đồng bộ và hiệu quả để phát huy đồng bộ 4 thuộc tính trong HSTNN nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Trước hết cho thấy các thuộc tính của HSTNN ở Lâm Đồng có sự khác biệt so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Điều khác biệt đầu tiên so với 62 tỉnh thành khác trong cả nước là một trong những địa phương có nhiều tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, không gian trong một tỉnh nhưng chia thành 4 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau; (2) Địa hình các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp biến động biến động rất lớn từ 200m đến 1.600m so với mặt biển; (3) Là tỉnh có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhất cả nước, với trên 12 nông sản; (4) Là địa phương tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững trong vòng trên 20 năm qua, làm cơ sở phát triển nhanh nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; (5) Là địa phương có nhiều cơ sở nghiên cứu và nhân giống invitro cao nhất cả nước, với khoảng 60 cơ sở, sản lượng gần 75 triệu cây giống, trong đó xuất khẩu gần 50%; (6) Là địa phương được công nhận doanh nghiệp và vùng sản xuất NNCNC nhiều nhất cả nước; (7) Một trong những địa phương có nhiều nguồn gen dược liệu quý hiếm, có giá trị phòng chữa bệnh cao phù hợp với xu thế thời đại của người dân toàn cầu; (8) Người nông dân và doanh nghiệp có tinh thần lao động cần cù sáng tạo, tiếp cận nhanh trình độ KH-CN mới trong nước và quốc tế; (9) Tận dụng tiềm năng đất đai rất cao, do đó hầu như không có đất bỏ hoang ở Lâm Đồng; (10) Đặc biệt tạo nên yếu tố khác biệt rất lớn về sức sản xuất, lượng sinh khối tạo ra, giá trị doanh thu/đơn vị diện tích với thời gian cao nhất cả nước, vì vậy giá đất nông nghiệp trung bình ở Lâm Đồng cao nhất cả nước và giá đất nông nghiệp trung bình ở Đà Lạt cao nhất thế giới.
Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt bình quân 245 triệu đồng/ha, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân trên 495 triệu đồng/ha. Ảnh: Chính Thành |
• NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT NGÀNH NÔNG NGHIỆP LÀ NỀN TẢNG PHONG PHÚ HSTNN ĐỂ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn có những chính sách thuận lợi để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Đến hết năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 234 chuỗi liên kết, trong đó có 112 chuỗi liên huyện, 122 chuỗi liên xã. Toàn tỉnh hiện có 135 dự án/kế hoạch hỗ trợ chuỗi liên kết (dự án) gồm 44 dự án cấp tỉnh và 91 dự án cấp huyện. Trong đó, các dự án nâng cấp các chuỗi là 19 dự án gồm 9 dự án cấp tỉnh và 10 dự án cấp huyện; các dự án hình thành mới chuỗi liên kết là 116 dự án, gồm 35 dự án cấp tỉnh và 81 dự án cấp huyện. Các liên kết chuỗi toàn tỉnh đã thu hút, hợp tác với 31.092 hộ nông sân liên kết. Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897 ha (vượt 5,79% so với kế hoạch), với sản lượng 589.261 tấn, trong chăn nuôi đạt 1.054.715 con (trong đó: 584.600 con gà; 187.000 con chim cút; 245.200 con heo, 27.460 con bò sữa, 1.600 con bò thịt; 326,5 ha dâu tằm…), sản lượng đạt 163.780 tấn. Đến hết năm 2023, giá trị sản xuất thông qua chuỗi (giá cố định 2010) đạt trên 18.046 tỷ đồng, theo giá hiện hành đạt trên 30.862 tỷ đồng, đạt khoảng 35,41% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nói chung, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tỉnh Lâm Đồng xác định là bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, diện tích nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh đạt 66.873 ha, chiếm 20,4% tổng diện tích đất canh tác, có 9 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận. Nhân rộng mô hình nông nghiệp đa chức năng, đa giá trị theo hình thức du lịch canh nông, đến nay Lâm Đồng có 36 điểm du lịch canh trông, trong đó có 4 điểm du lịch canh nông đạt tiêu chí quốc tế;
Mức độ ứng dụng công nghệ cao có tính đa dạng với nhiều kỹ thuật tiên tiến: 46.920 ha tưới tiết kiệm nước (trong đó 41.949 ha tưới phun mưa, 4.971 ha tưới nhỏ giọt và trên 50 ha thủy canh hồi lưu); canh tác rau, hoa trên giá thể đạt trên 718 ha; 60 cơ sở nhân giống invitro, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 75 triệu cây giống invitro các loại; có trên 160 ha nhà kính nhập khẩu với công nghệ hiện đại có giá trị đầu tư trên 1 triệu USD/ha; khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công; công nghệ màng PE 3-5 lớp được ứng dụng trên 700 ha nhà kính;…
Nông nghiệp thông minh có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi...; đồng thời giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT. Trong sản xuất trồng trọt, toàn tỉnh có trên 465 ha ứng dụng công nghệ thông minh, tập trung trên rau, hoa, dâu tây và chè; giúp người sản xuất giảm 10-20% lượng thuốc BVTV, phân bón; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động cho các trang trại; giúp tăng lợi nhuận 15-20% so với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong chăn nuôi, các doanh nghiệp lớn đã ứng dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR (Total mixing rotation), robot đẩy thức ăn tự động, hệ thống vắt sữa tự động rotary, gắn chip điện tử (SCR) cho bò sữa,… Ứng dụng công nghệ thông minh giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế; góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt bình quân 245 triệu đồng/ha, trong đó có nhiều địa phương có doanh thu cao như Đà Lạt 480 triệu đồng/ha/năm, Lạc Dương 380 triệu đồng/ha/năm, Đơn Dương 250 triệu đồng/ha/năm. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân trên 495 triệu đồng/ha (sản xuất rau đạt trên 2 tỷ đồng, sản xuất hoa đạt từ 3-5 tỷ đồng/ha); tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Chênh lệch về mức độ đầu tư, trình độ canh tác, điều kiện sản xuất giữa các vùng, các địa phương được rút ngắn, nhờ áp dụng công cao, hiện đại do đó diện tích có doanh thu từ 1 tỷ đồng/ha/năm ngày càng mở rộng, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được phát huy rộng rãi, hàng năm số hô nông sản danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi liên tục phát triển.
Lâm Đồng cũng đã đạt được những bước tiến trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; thành công lớn là các doanh nghiệp Lâm Đồng đã đầu tư, lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp, xây dựng các quy trình canh tác, tiêu chuẩn - quy chuẩn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thủy canh, khí canh, giải pháp IoT. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 80 doanh nghiệp FDI và 1.550 doanh nghiệp trong nước đầu tư lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, có khoảng 150 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực tế đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao như Công ty Dalat Hasfarm, Công ty Langbiang Farm, Vinamil, Bijo… với doanh thu hàng năm đạt từ 1-3 tỷ đồng/ha và xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Australia, Singapore và thị trường Halla.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nói chung, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tỉnh Lâm Đồng xác định là bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Chính Thành |
• NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ ĐỂ NGÀNH NÔNG NGHIỆP LÂM ĐỒNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ THAM GIA CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN TOÀN CẦU
Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh về HSTNN, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng cần có giải pháp đột phá nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu:
Tiếp tục đầu tư nông nghiệp toàn diện, hiện đại, đa chức năng, đa giá trị trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tái sinh và nông nghiệp tuần hoàn trên cơ sở đổi mới sáng tạo;
Ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với việc nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng mới; giống cây trồng có khả năng chống chịu hạn cao; tiếp tục chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhằm khai thác tối ưu thuộc tính sức sản xuất trong HSTNN.
Tiếp tục phát huy đề án đào ao hồ nhỏ tích nước, duy tu bảo dưỡng trên 450 hồ thuỷ lợi hiện có; tiếp tục đầu tư các hồ thuỷ lợi đa mục tiêu có quy mô lớn như các hồ: Đông Thanh, Ta Hoét, Kazam nhằm chủ động nguồn nước phục vụ nông nghiệp vào mùa khô hạn.
Phát huy tối đa các nguồn lực và đa hình thức nghiên cứu khoa học, khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong việc nghiên cứu và đề xuất các đề tài khoc học có tính thực tiễn cao đối với sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, trồng cây xanh theo Kế hoạch 2209/KH-UBND năm 2021 về trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng; cải thiện cảnh quan và môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; phát huy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên kết sản xuất, sở hữu trí tuệ… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư một số lĩnh vực mà Lâm Đồng cần kêu gọi đầu tư như: Dự án sản xuất thức ăn gia súc; Dự án chế biến nông sản theo tiêu chuẩn Halal; Dự án nghiên cứu và nhân giống cây trồng chất lượng cao và có khả năng chịu hạn cao; Dự án hợp tác chiến lược kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh Lâm Đồng tại thị trường các nước, hình thành chuỗi giá trị nông sản toàn cầu quy mô lớn, chất lượng cao và an toàn thực phẩm.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, Lâm Đồng là địa phương có sự khác biệt rất lớn HSTNN so với nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong thời gian qua tỉnh Lâm Đồng có nhiều chính sách để làm phong phú các thuộc tính của HSTNN, đặc biệt là sức sản xuất. Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có đầu tư nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ, nghiên cứu đổi mới sáng tạo nhằm phát huy đồng bộ các thuộc tính của HSTNN, thực hiện các giải pháp đột phá để ngành nông nghiệp Lâm Đồng thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin