Thông qua tái cơ cấu cây trồng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng phát triển bền vững các loại cây ăn trái chủ lực phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu từng tiểu vùng sinh thái; tạo liên kết đồng bộ, hiệu quả cao giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, góp phần tăng giá trị xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Giống cây “Bơ Ông Tĩnh” đặc ruột, thơm ngon, sản xuất tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu độc quyền |
Mục tiêu đến năm 2030, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh trồng xen 30.800 ha, trồng thuần 20.200 ha, tổng sản lượng 633.500 tấn. Trong đó chiếm 94% tổng diện tích cây ăn quả chủ lực gồm: sầu riêng, bơ, mít, chuối, hồng, chanh dây, măng cụt, cây có múi, tương ứng với diện tích 48.000 ha, sản lượng 601.500 tấn; diện tích cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao đạt 12.000 ha. Đặc biệt có khoảng 10.000 ha cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng và cấp mã 30 cơ sở đóng gói. Qua đó nâng tỷ lệ trái cây chế biến đạt tỷ lệ 30% tổng sản lượng (khoảng 190.000 tấn); kim ngạch xuất khẩu trái cây trên 200 triệu USD. Sản lượng trái cây tiêu thụ theo chuỗi liên kết ít nhất 60% tổng sản lượng, thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/ha/năm.
Cụ thể đến năm 2030, cây sầu riêng toàn tỉnh trồng xen 10.600 ha, trồng thuần 15.000 ha, sản lượng 267.556 tấn. Vùng sản xuất tập trung diện tích và sản lượng tại các huyện Di Linh (6.500 ha, 63.380 tấn); Đạ Huoai (6.410 ha, 81.255 tấn); Bảo Lâm (3.600 ha, 34.700 tấn); Đam Rông (2.365 ha, 19.994 tấn); Đạ Tẻh (2.150 ha, 29.820 tấn); Lâm Hà (1.700 ha 12.644 tấn); Cát Tiên (1.400 ha, 10.500 tấn); 1.475 ha diện tích sầu riêng còn lại phân bổ tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và TP Bảo Lộc. Với cây bơ toàn tỉnh trồng thuần 1.245 ha; trồng xen 10.810 ha, sản lượng 146.831 tấn. Sản xuất chủ yếu tại các địa bàn Di Linh (3.500 ha, 41.980 tấn), Bảo Lâm (3.325 ha, 35.064 tấn); Lâm Hà (2.530 ha, 33.592 tấn); Đức Trọng (690 ha, 17.709 tấn); Lạc Dương (525 ha, 2.900 tấn); TP Bảo Lộc (450 ha, 5.188 tấn); TP Đà Lạt (330 ha, 3.793 tấn) và 705 ha còn lại sản xuất tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đơn Dương và Đam Rông.
Riêng cây chuối, toàn tỉnh trồng thuần 570 ha, trồng xen 1.220 ha, sản lượng 50.400 tấn. Vùng sản xuất chuối chủ yếu tại các huyện Di Linh (350 ha, 8.223 tấn); Lâm Hà (311 ha, 8.054 tấn); Đức Trọng (275 ha, 11.025 tấn); Bảo Lâm (230 ha, 6.460 tấn); Đam Rông (155 ha, 4.960 tấn); Cát Tiên (110 ha, 1.987 tấn); Đơn Dương (100 ha, 2.880 tấn); 259 ha rải rác canh tác 2 huyện Lạc Dương, Đạ Tẻh và 2 TP Bảo Lộc, Đà Lạt. Ngoài ra, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đạt tổng diện tích trồng thuần, trồng xen và sản lượng các loại cây trồng chủ lực khác như: cây mít (2.493 ha, 32.480 tấn); hồng ăn trái (1.990 ha, 33.850 tấn); chanh dây (1.499 ha, 52.506 tấn); măng cụt (1.273 ha, 4.581 tấn); cây có múi (1.300 ha, 12.956 tấn).
Trên cơ sở bố trí các vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực tập trung, toàn tỉnh đến năm 2030 “hình thành mới 10 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái, nâng tổng số 55 chuỗi với tổng diện tích 10.000 ha (chiếm khoảng 25% diện tích kinh doanh), sản lượng tiêu thụ qua chuỗi đạt 379.100 tấn (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng cây ăn trái toàn tỉnh), 2.000 hộ tham gia liên kết…”. Qua đó toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng mới 150 mã số vùng trồng và 15 mã đóng gói cây ăn trái chủ lực với diện tích 3.500 ha, sản lượng 150.000 tấn; nâng tổng số đến năm 2030 đạt 200 mã vùng trồng và 30 mã đóng gói với diện tích trên 10.000 ha; tổng sản lượng khoảng 250.000 tấn; trong đó có ít nhất 60% tổng sản lượng cây ăn trái xuất khẩu, góp phần đạt tổng kim ngạch trên 200 triệu USD.
Để đạt mục tiêu phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2030 nêu trên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai, hỗ trợ công nhận vườn cây đầu dòng, công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống. Nghiên cứu du nhập ở các vùng khác trong nước hoặc nhập nội khảo nghiệm chọn lọc giống cây ăn trái có khả năng kháng sâu bệnh hại, đạt năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ ba, ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật để tìm ra các giống cây ăn trái phù hợp từng tiểu vùng sinh thái, đạt hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng biện pháp quản lý hiệu quả các đối tượng dịch hại, quản lý sức khỏe cây trồng; sử dụng thuốc thảo mộc thân thiện môi trường. Thứ tư, phát triển thương hiệu cây ăn trái gắn với chỉ dẫn địa lý, chương trình mỗi xã một sản phẩm; xúc tiến thương mại, hợp tác liên kết tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thứ năm, áp dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất các loại cay trồng chủ lực trên địa bàn...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin