Chuyển đổi số được xác định vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững. Trong những năm qua, toàn tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động sáng kiến xây dựng và chuyển giao ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất trên địa bàn.
Máy bay không người lái bơm phun chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại cây cà phê tại huyện Đam Rông |
• ĐA DẠNG GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ SỐ
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Công ty TNHH Dalat Hasfarm, một trong những nhà sản xuất hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á đã áp dụng hiệu quả công nghệ thông minh trong quy trình kỹ thuật canh tác. Hệ thống hoạt động trong nhà kính hiện đại ở đây đều lắp đặt thiết bị cảm biến kết nối với máy tính qua đường truyền internet toàn cầu, điều khiển các chế độ theo dõi, chăm sóc hoa được lập trình. Theo đó, nếu nhiệt độ trong nhà kính vượt ngưỡng 21oC, lớp màng chắn sáng sẽ tự động bật mở. Khi độ ẩm trong nhà kính dưới giới hạn cài đặt, hệ thống tự động kích hoạt tưới nước phun sương. Tại Công ty TNHH Cầu Đất Farm, toàn bộ hệ thống nhà kính 7 ha do nhân viên thiết kế đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật chăm sóc rau, hoa như: hệ thống quạt, lưới cắt nắng, bơm tưới kết hợp châm dinh dưỡng, điều chỉnh độ EC và pH; hệ thống camera giám sát quy trình chăm sóc, quá trình sinh trưởng của cây... Hiện nay, Công ty TNHH Cầu Đất Farm là khu du lịch canh nông có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Đáng kể, Hợp tác xã Chuối Laba Banana Đạ K’nàng (Đam Rông); Hợp tác xã Sản xuất lúa hữu cơ Tân Hưng Phát (Cát Tiên) và Trang trại Sầu riêng hữu cơ tại Thôn 3, xã Triệu Hải (Đạ Tẻh) đã và đang sử dụng máy bay không người lái phun chế phẩm sinh học phòng, trừ sâu bệnh hại và tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng, qua đó giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và chi phí nhân công, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Ngoài ra trên lĩnh chăn nuôi, thú y và thủy sản, toàn tỉnh đã áp dụng hệ thống phần mềm để quản lý dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản. Điển hình Trang trại Bò sữa Vinamilk đang chăn nuôi khoảng 1.000 con bò sữa được chứng nhận hữu cơ theo chuẩn châu Âu, trong đó chiếm tỷ lệ 50% tổng đàn đang khai thác sữa. Các khâu chăm sóc bò tại trang trại đều cơ giới hóa, chế độ ăn uống của bò được theo dõi và cập nhật vào hệ thống phần mềm; gắn chip hàng ngày hiển thị thông tin về sức khỏe đàn bò, chất lượng sữa thu hoạch và thành phần khẩu phần ăn từng độ tuổi của bò.
• DOANH THU 8 TỶ ĐỒNG/HA/NĂM
“Toàn tỉnh có 96 doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc nông sản với đầy đủ thông tin nơi sản xuất, nhà sản xuất, tên, loại, giá cả và ngày, tháng thu hoạch. Riêng 13 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 234 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã, gần 31.200 hộ nông dân, trong đó nhiều trang trại trồng rau, hoa, dâu tây, cà chua và chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số đã đạt doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm; đặc biệt doanh thu hoa cao cấp lập đỉnh doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết thêm.
Ở khâu đầu ra nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cùng với các sở, ngành liên quan phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đưa sản phẩm nông nghiệp của địa phương phân phối trên các sàn thương mại điện tử như tiki, shopee, lazada, postmart... Ngoài ra, trên các nền tảng công nghệ số, nhiều trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh được khách hàng kết nối tiêu thụ qua các kênh Google, Youtube, facebook...
Tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm OCOP đặc thù mỗi địa phương. Đồng thời nâng cấp, tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ; đào tạo nông dân nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và ứng dụng hiệu quả hơn nữa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin