Vùng Loan là tên gọi chung của 5 xã vùng sâu huyện nông thôn mới Đức Trọng, gồm Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng, Tà Hine và Đa Quyn. Với đặc điểm vị trí địa lý ở vùng sâu, vùng xa, sinh kế người dân chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp; trong thời gian dài, các xã vùng Loan gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo vùng Loan đã đổi thay rõ nét, tất cả các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Mô hình trồng cà tím hữu cơ của nông dân xã Tà Năng (huyện Đức Trọng) |
Trong 5 xã vùng Loan, Đà Loan và Ninh Loan có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt nhất. Ba xã còn lại có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn hơn. Căn cứ điều kiện thực tế, với nền kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương đã có những hướng đi phù hợp, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao đời sống Nhân dân ở vùng đất khó một thời.
Ngày nay, đi dọc dải đất vùng Loan, nhiều ngôi nhà mới khang trang, nhiều dịch vụ như vùng đô thị đã hiện diện; những vườn cây ăn quả, những vườn rau công nghệ cao đã đánh thức tiềm năng ở xứ này. Thực tế tại ba xã Tà Hine, Tà Năng và Đa Quyn cho thấy, hiện nay nền nông nghiệp địa phương vẫn tồn tại nhiều khó khăn từ những biến động thị trường, môi trường, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Do đó, để phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống thì lãnh đạo địa phương cũng như người dân phải có những giải pháp phù hợp với điều kiện. Chánh văn phòng UBND huyện Đức Trọng Trần Văn Hải cho rằng, phần lớn hộ dân ở ba xã Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn làm nông nghiệp. Do đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân nơi đây.
Công ty TNHH nấm Ngọc Bích quyết định chọn vùng đất Tà Hine để đầu tư phát triển nấm đông cô, bởi đây là vùng đất rất thích hợp với loài cây này. Bà Võ Thị Huỳnh Như, quản lý của doanh nghiệp, chia sẻ, nấm đông cô được thị trường rất ưa chuộng, nông dân dễ dàng trồng và cung cấp nấm cho công ty để phát triển kinh tế gia đình. Từ thành công của công ty, hứa hẹn sẽ hình thành một làng nấm ở xứ vùng sâu này.
Theo UBND xã Tà Hine, năm 2023, địa phương ghi nhận tổng giá trị sản lượng trồng trọt 496 tỷ đồng, đạt 108% so với năm 2022; bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đạt 229 triệu đồng/năm; tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 12,8 nghìn con. “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền các hộ dân duy trì, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng bưởi da xanh, dâu tằm, chăn nuôi bò, dê… và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Chủ tịch UBND xã Vũ Xuân Nguyễn cho biết. Năm 2024, xã Tà Hine đặt mục tiêu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang những loại cây có hiệu quả kinh tế cao; mở rộng các mô hình áp dụng khoa học - công nghệ cao; áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao chất lượng nông sản trên địa bàn; phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và áp dụng khoa học - kỹ thuật; khuyến khích chăn nuôi công nghiệp gắn với chế biến. Và nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn sản phẩm phù hợp để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.
Xã Đa Quyn hiện có diện tích gieo trồng hơn 2.238 ha, phần lớn là cây lâu năm với 1.475 ha; toàn xã có 209 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi đến thăm trang trại của anh Ya Thuyên ở thôn Ma Bó. Anh chia sẻ, trang trại cà chua canh tác theo hướng công nghệ cao này trước đây là vùng “đất chết”, khô cằn sỏi đá. “Giờ nhiều người trong xã đã chuyển đổi cây trồng, chọn hướng đi đúng thì bảo đảm kinh tế gia đình thôi. Khu vườn hơn 4.000 m2 của mình giờ tưới, châm phân tự động nên công việc nhàn hơn nhiều, hiệu quả kinh tế cao”, anh Ya Thuyên cho biết. Theo tính toán, bình quân mỗi năm, vườn cà chua mang lại thu nhập cho gia đình anh hơn 200 triệu đồng.
Ông Ya Biêng, thành viên Tổ hợp tác Dâu tằm tại Đa Quyn chia sẻ, gia đình anh sáng suốt khi quyết định chuyển 4.000 m2 trong diện tích trồng cà phê sang trồng dâu, cho thu nhập ổn định. “Phát huy vai trò người có uy tín, mình phải mạnh dạn đi đầu, thử nghiệm chuyển đổi cây trồng. Khi mô hình phát triển tốt thì vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi để nâng cao thu nhập”, ông Ya Biêng nói.
Chủ tịch UBND xã Đa Quyn Nguyễn Văn Dương thông tin, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã được dịch chuyển theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới, xã định hướng tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm và chuyển đổi diện tích lúa một vụ kém năng suất sang các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao...
Dọc vùng đất có cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng nổi tiếng, màu xanh của những vườn cà phê, rau màu đã thay màu đất đỏ. Xã nông thôn mới Tà Năng thắm tươi trong nắng chiều. Hiện, diện tích đất gieo trồng của xã hơn 2.681 ha, với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, rau màu, ngô, khoai lang... Thời gian qua, xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như giảm diện tích lúa 1 vụ, diện tích canh tác ngô sang cây rau thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện, diện tích các loại cây rau màu đạt 546 ha, tăng 69 ha so với cùng kỳ năm 2023. Xã khuyến khích Nhân dân mở rộng, thử nghiệm trồng thêm các loại nông sản khác, như khoai lang (9,5 ha), dâu tằm (52 ha), tiêu (10 ha) và cây ăn quả là 81 ha.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Bình, hiện trên địa bàn xã Tà Năng có 147 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, diện tích tưới tự động ngoài trời 139 ha; có 1 nông hộ trồng rau VietGAP, với diện tích 10 ha. Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, bà Bình cho biết, xã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh; hướng dẫn, vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức sản xuất đạt kết quả cao nhất.
Dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước, nhưng tin rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên của người dân, cùng những giải pháp cụ thể để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, vùng Loan sẽ trở thành vùng quê xanh mát, đời sống Nhân dân được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin