Chìa khóa liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ

VĂN VIỆT 05:38, 14/05/2024

Sản xuất hữu cơ trên nhiều vùng nông nghiệp Lâm Đồng đã tìm thấy chìa khóa mở ra quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và phân phối với sản lượng tập trung, chất lượng toàn vẹn trên thị trường, chấm dứt thói quen sản xuất có hóa chất ở phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, ảnh hưởng đến sức khỏe từ người sản xuất đến người tiêu dùng. 

Chuỗi liên kết của Công ty TNHH Nông sản Tổ hợp tác Hiếu Linh với diện tích 11,5 ha sản xuất loại rau, củ, quả hữu cơ, đạt tổng sản lượng khoảng 230 tấn/năm
Chuỗi liên kết của Công ty TNHH Nông sản Tổ hợp tác Hiếu Linh với diện tích 11,5 ha sản xuất loại rau, củ, quả hữu cơ, đạt tổng sản lượng khoảng 230 tấn/năm

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa Lê Quang Cảnh, HTX thành lập năm 2015 tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên với 18 thành viên sản xuất 40 ha lúa 2 vụ. Thời gian đầu bước vào phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX tích cực vận động hộ thành viên chuyển đổi thói quen canh tác lúa phun thuốc diệt cỏ, rải phân hóa học sang sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, do thị trường đầu ra vẫn còn bị động, sản phẩm lúa hữu cơ giá thành cao trên thị trường thời điểm dịch COVID-19, HTX phải đứng ra chịu lỗ để hoàn trả chi phí đầu tư và thành quả lao động cho hộ thành viên. 

Không chịu lùi bước trước khó khăn, HTX không ngừng tìm tòi những bài giải cho lối đi phát triển nâng tầm giá trị hạt gạo lên một giai đoạn mới. “HTX chúng tôi đã nghiên cứu chế biến thành công những sản phẩm từ những hạt gạo hữu cơ gồm: Bột gạo lứt kết hợp với rau chùm ngây, bột gạo lứt kết hợp với hạt sen, trà gạo lứt, giá trị dinh dưỡng cao, đạt chuẩn OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp huyện năm 2022, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023...”, Giám đốc Lê Quang Cảnh chia sẻ. 

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa, Cát Tiên chế biến thành công 
và tiêu thụ ổn định những sản phẩm từ hạt gạo hữu cơ trên địa bàn
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa, Cát Tiên chế biến thành công và tiêu thụ ổn định những sản phẩm từ hạt gạo hữu cơ trên địa bàn

Với HTX Hoa Linh Coffee, xã Tân Châu, huyện Di Linh liên kết chuỗi sau 3 năm với 30 hộ thành viên sản xuất 60 ha cà phê. Trong đó có 5 hộ với diện tích 18,5 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ, diện tích còn lại sản xuất cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Kết quả HTX thu mua sản phẩm của hộ liên kết cao giá hơn thị trường 7.000 đồng/kg cà phê hữu cơ tươi; tỷ lệ hơn 20% cà phê đặc sản; hơn 12.000 đồng/kg cà phê chất lượng cao. 

Mùa vụ 2023, HTX đã chế biến 40 tấn nhân cà phê hữu cơ và 50 tấn cà phê nhân đặc sản. Trong đó HTX đưa một lô hàng sản phẩm dự thi tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đoạt Top 10 cà phê đặc sản hữu cơ, bán đấu giá 420.000 đồng/kg nhân, trong khi đó giá trên thị trường chỉ có 50.000 đồng/kg. Giám đốc HTX Hoa Linh Coffee Trần Mai Bình kết luận: “Với những thành quả bước đầu, HTX xác định liên kết sản xuất là một mô hình hoạt động đúng đắn bền vững, nhất là sản xuất hữu cơ, các hộ tham gia luôn tuân thủ theo phương hướng của HTX và nhiều hộ tiếp tục mong muốn tham gia mô hình này. Kế hoạch trong năm 2024, HTX sẽ liên kết sản xuất thêm 20 hộ với diện tích 30 ha cà phê...”.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 10 chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Trong đó 4 chuỗi với 15 hộ sản xuất khoảng 11,5 ha rau cải, xà lách, cà chua, bắp cải, cải thảo, bông cải, khoai tây, cà rốt, khoai lang, dưa lưới, ớt chuông, cà tím, dược liệu... với sản lượng khoảng 230 tấn/năm, giá tiêu thụ cao hơn giá thị trường 2-3 lần. Còn lại hỗ trợ 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ như cà phê với diện tích 18,5 ha, sản lượng 277,5 tấn quả tươi/năm, giá thu mua cao hơn giá thị trường trung bình 7.000 đồng/kg quả tươi; nấm hương với mỗi nhà sản xuất 50 m2 sau chu kỳ 4 tháng, hộ liên kết thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng; mắc ca tại Công ty TNHH Mắc ca Việt; lúa gạo tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa và Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hưng Phát đang hoạt động tốt, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

“Các chuỗi liên kết đã giúp nông dân hiểu và sản xuất theo kế hoạch, quy trình tiêu chuẩn từ đầu vào đến đầu ra, tạo ra các sản phẩm hữu cơ đồng nhất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế cho nông sản, hỗ trợ xây dựng, mua sắm vật tư sản xuất một số loại nông sản xuất khẩu của tỉnh…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá. 

Thống kê đến nay, toàn tỉnh có gần 1.580 ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, trong đó trồng trọt gần 1.440 ha, trồng 140 ha đồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi 1.005 con bò sữa. Cụ thể, diện tích cây trồng hữu cơ gồm 1.110 ha điều; 140,3 ha cà phê; 140 ha cỏ chăn nuôi; hơn 88,3 ha rau; 34 ha lúa; gần 34 ha cây ăn quả; 18,6 ha mắc ca; hơn 6,5 ha nấm; 5 ha chè. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đang trồng trọt hơn 870 ha, chăn nuôi 53.000 con gà, 26 con bò sữa, 50 con heo rừng sẽ tiếp tục cấp chứng nhận hữu cơ trong năm tới...