Việc chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho Bưu điện tỉnh đã được Lâm Đồng triển khai từng bước từ năm 2019 đến nay thông qua Đề án 644. Trong giai đoạn đến, bên cạnh tiếp tục duy trì Đề án này, ngành chức năng tỉnh đề nghị cần được thực hiện thông qua đấu thầu.
Người dân được hướng dẫn khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh |
• TIẾP NHẬN 98% SỐ TTHC Ở CẤP HUYỆN, THÀNH
“Đề án 644” là tên gọi tắt của Quyết định số 644 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 22/3/2019 “Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho bưu điện trên địa bàn Lâm Đồng”.
Trong tháng 7/ 2020, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành Kế hoạch số 607 về việc “Tiếp tục thực hiện chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của một số dịch vụ hành chính công cho bưu điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị, huyện, thành trong tỉnh đã tích cực triển khai Đề án 644, cung cấp, hỗ trợ Bưu điện tỉnh công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); bố trí công chức có kinh nghiệm đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên Bưu điện về lý thuyết và thực hành trên hồ sơ; tổ chức tập huấn, tăng cường kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử với tổ chức, cá nhân đến liên hệ giao dịch cho nhân viên Bưu điện.
Các huyện trong tỉnh cũng bố trí công chức nhiều kinh nghiệm trực tiếp làm việc tại Bộ phận Một cửa để theo dõi, giám sát, hỗ trợ cho nhân viên Bưu điện thực hiện nhiệm vụ; cung cấp tài khoản, hướng dẫn sử dụng phần mềm một cửa điện tử để nhân viên Bưu điện tiếp cận và thao tác trực tiếp trên phần mềm.
Từ tháng 10/2019, Bưu điện tỉnh bắt đầu bố trí nhân viên chính thức học việc và tiếp nhận hồ sơ hành chính công trong các lĩnh vực được chuyển giao như Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Văn hóa, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch… Với sự hỗ trợ nhiệt tình và phối hợp tốt của công chức Bộ phận Một cửa, các nhân viên Bưu điện đã dần thay thế được công chức Bộ phận Một cửa các cấp, chủ động tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định.
Tính đến tháng 12/2023, đã có 44 nhân viên Bưu điện được bố trí tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng như tại Bộ phận Một cửa các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bưu điện hiện đang bố trí 16 nhân viên để hướng dẫn người dân tạo tài khoản công dân, thực hiện hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC, số hóa thành phần hồ sơ thuộc tất cả các lĩnh vực của các sở, ngành chuyển giao. Dự kiến trong năm 2024 sẽ tăng lên thêm 2 nhân viên tại đây.
Riêng đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, do hồ sơ phát sinh mang tính phức tạp, thủ tục chủ yếu phát sinh ở các địa phương vì vậy Bưu điện tỉnh đã bố trí nhân viên học cách thực hiện 14/14 TTHC tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố.
Với Bộ phận Một cửa cấp huyện, hiện 12 Bưu điện huyện, thành phố trong tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo tinh thần Đề án 644; cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc, thay thế được công chức tại Bộ phận Một cửa của UBND các huyện, thành phố.
Với các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, do tính chất phức tạp của hồ sơ liên quan đến đất đai nên chỉ có 2 nhân viên tại huyện Lâm Hà và TP Đà Lạt thực hiện được một số TTHC thường phát sinh, trong đó Lâm Hà thực hiện được 14 thủ tục, cơ bản có thể thay công chức tại Bộ phận Một cửa; tại Đà Lạt thực hiện được 8/12 thủ tục. Với các đơn vị còn lại, nhân viên Bưu điện chỉ thực hiện được từ 3 đến 5 TTHC.
Cũng nói thêm rằng do viên chức Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện cần tập trung cho công việc nên chưa có nhiều thời gian chỉ dẫn cho nhân viên Bưu điện. Cùng đó giữa Bưu điện tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh chưa thống nhất được phương án chi trả chi phí nhân công cho Bưu điện theo hồ sơ hay theo từng công đoạn nên Bưu điện tỉnh không có chi phí chi trả cho nhân công nên đã tạm ngừng bố trí nhân viên học việc và tiếp nhận hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại các huyện, thành phố từ đầu tháng 8/2021 đến nay.
Với cấp xã, mới chỉ có thị trấn D’ran triển khai thí điểm theo Đề án 644, tuy nhiên, do hồ sơ cần phải xử lý và lấy ngay nên Bưu điện đã ngừng việc bố trí nhân viên trực tại đây từ đầu năm 2020; khi có phát sinh hồ sơ liên thông, Bộ phận Một cửa thị trấn báo với Bưu cục sẽ có nhân viên đến tiếp nhận ngay. Với các xã, thị trấn trong tỉnh, đến nay chưa thực hiện chuyển giao việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho Bưu điện nên chỉ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích.
Tính đến cuối năm 2023, nhân viên Bưu điện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được chuyển giao tiếp nhận và trả kết quả đối với 100% TTHC chính với tổng cộng 1.348 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận tại Trung tâm. Với cấp huyện, nhân viên Bưu điện đã được chuyển giao tiếp nhận và trả kết quả đối với 98% số TTHC tại Bộ phận Một cửa tất cả các huyện, thành phố (gồm 3.458/3.538 TTHC).
Tuy nhiên, hiện một số địa phương như Đà Lạt, Bảo Lộc, Lạc Dương, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên chưa chuyển giao thủ tục hành chính lĩnh vực thanh tra, khiếu nại, tố cáo, đất đai và tư pháp vì tính chất phức tạp, thời gian giải quyết ngắn, có khi phải thẩm định trực tiếp và giải quyết ngay trong ngày với những vấn đề pháp lý có liên quan.
• ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÂN
Như đánh giá của Sở Nội vụ Lâm Đồng, việc chuyển phát hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách TTHC của tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tăng sự lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện hồ sơ; tạo ra sự tin tưởng, tự nguyện của người dân trong việc lựa chọn phương thức nhận kết quả giải quyết TTHC; giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian, chí phí đi lại, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; phát huy được hiệu quả mạng lưới Bưu chính công cộng.
Cùng đó, Đề án 644 khi triển khai đã góp phần giảm áp lực công việc cho công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước, tăng hiệu quả trong tình hình tinh giản biên chế; giúp tiết kiệm chi phí, công sức cho người dân, giảm thời gian đi lại của tổ chức, cá nhân; nâng chất lượng phục vụ sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của người dân; góp phần hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức chuyên môn với cá nhân, tổ chức khi giải quyết hồ sơ. Thông qua đó, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thể kiểm soát, đánh giá trung thực việc giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước.
Vẫn còn những điểm cần khắc phục trong thời gian đến trong triển khai Đề án 644 như việc các nhân viên Bưu điện còn gặp khó khăn, lúng túng, còn phụ thuộc vào công chức chuyên môn trong thẩm định bước đầu với các hồ sơ phức tạp. Cùng đó nhân viên Bưu điện tham gia tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC chưa ổn định; Bưu điện chưa chủ động được nguồn nhân viên dự phòng có chuyên môn để thay thế khi nhân viên được chuyển giao nhiệm vụ nghỉ hoặc có việc đột xuất.
Lâm Đồng đến nay theo Sở Nội vụ, vẫn chưa có quy định chính thức về định mức chi trả cho việc chuyển giao dịch vụ bưu chính công ích mà chỉ thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính, dẫn đến một số đơn vị vẫn phải xin ý kiến trong quá trình thực hiện; văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính chỉ phù hợp trong giai đoạn thực hiện Đề án thí điểm.
Trong một hội nghị của tỉnh tổ chức để đánh giá việc thực hiện Đề án 644 gần đây, lãnh đạo Sở Nội vụ đã đề nghị trong thời gian đến sẽ cùng các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án để trình UBND tỉnh quyết định việc thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin