Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cây công nghiệp Đà Lạt

VĂN VIỆT 04:29, 17/05/2024

Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cây công nghiệp chủ lực cà phê và chè trên thị trường trong nước và xuất khẩu đến năm 2030, TP Đà Lạt cần kích hoạt nhiều giải pháp mới về phía các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn và người sản xuất.

Sản phẩm chè Ô long xuất khẩu được Công ty Cổ phần Long Đỉnh chế biến 
từ nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản xuất tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành, TP Đà Lạt
Sản phẩm chè Ô long xuất khẩu được Công ty Cổ phần Long Đỉnh chế biến từ nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản xuất tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành, TP Đà Lạt

GẮN SẢN XUẤT VỚI CHẾ BIẾN SẢN PHẨM GIÁ TRỊ CAO

Qua tìm hiểu tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ, mùa cà phê thu hoạch vào cuối năm 2024 tại thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt sẽ hoàn thành chuyển đổi 30 ha sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ. Đây là kết quả 5 năm tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa HTX với nông hộ thành viên, trong đó áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ qua từng thời vụ, giảm dần và đi đến chấm dứt sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể trong 3 năm đầu thay thế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học với các tỷ lệ lần lượt 30%, 50% và 70%. Và tỷ lệ này đến năm thứ 4 là 0%. 

Phóng viên đã đến HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ tham quan các diện tích cà phê liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ năm thứ 4 tại thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường nói trên, ghi nhận màu xanh tốt tươi với trái non chi chít trên cành, đặc biệt xung quanh những khu đồi thông bao bọc, làm lá chắn thanh lọc môi trường trong lành; dưới thung lũng có hồ thủy lợi rộng lớn dẫn nước khe suối trên thượng nguồn núi cao về tích trữ, chủ động nguồn tưới tiêu đạt chuẩn sạch quanh năm. Đây là không gian cây cà phê chuyển đổi thích ứng với điều kiện canh tác hữu cơ, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 90% trên tổng diện tích 30 ha liên kết chuỗi. Còn lại gần 10% diện tích vẫn chưa hấp thu hoàn toàn các thành phần dinh dưỡng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học, nên cần thêm một năm nữa để điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp hơn. Mặc dù vậy, kết quả liên kết chuỗi sản xuất cà phê hữu cơ gắn với chế biến và tiêu thụ, HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ đã xuất khẩu thành công 30% sản phẩm rang xay sang thị trường Mỹ, Na Uy, Nhật Bản…

Với cây chè, Công ty Cổ phần Long Đỉnh (thương hiệu trà Ô long Long Đỉnh) đã xây dựng và đi vào hoạt động khu trưng bày kết hợp với chế biến tại Cụm công nghiệp Phát Chi, xã Trạm Hành, Đà Lạt đúng vào dịp đón năm mới 2023, tọa lạc trên tổng diện tích sinh thái khoảng 3 ha. Đến đây, mọi người được tìm hiểu lịch sử phát triển cây chè trên thế giới nói chung, Việt Nam và Đà Lạt- Lâm Đồng nói riêng, đồng thời, tiếp cận quy trình chế biến trà Ô long xuất khẩu sang thị trường các nước lớn trên thế giới, thưởng thức đa dạng sản phẩm trà thơm lừng, đậm đà hương đất, hương rừng vùng cao nguyên ôn đới Đà Lạt. Với thổ nhưỡng trên độ cao 1.500- 1600 m so mặt biển, cây chè vùng Xuân Trường, Trạm Hành của TP Đà Lạt tác động biện pháp chăm sóc an toàn, trở thành nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ công nghệ chế biến mới của Công ty Cổ phần Long Đỉnh, tạo ra đa dạng sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Kế hoạch trong năm 2024, Công ty Cổ phần Long Đỉnh tiếp tục mở rộng thành vùng nguyên liệu tập trung hàng chục ha chè Ô long liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn 2 ven đô này. 

• MỞ RỘNG VÙNG NGUYÊN LIỆU AN TOÀN

Mục tiêu của TP Đà Lạt đến năm 2030, xây dựng vùng sản xuất cà phê, chè công nghệ cao tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành, tổng diện tích 42.050 ha. Trong đó cây cà phê 34.400 ha, cây chè 7.650 ha. Giải pháp ở đây là “chuyển đổi cơ cấu giống cà phê các loại chất lượng cao như Typica, Bourbon, Moka, THA 1, canh tác theo tiêu chuẩn bền vững UTZ, 4C, Rainforest, hữu cơ. Kết hợp tái canh trồng mới và ghép cải tạo với trồng xen cây ăn quả, cây đa mục đích, đạt tỷ lệ ít nhất 50% diện tích cà phê được che bóng; tăng cường giải pháp cơ giới hóa trong canh tác, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, giảm tỷ lệ tổn thất xuống dưới 10%”, cơ quan chuyên môn TP Đà Lạt cho biết. 

Cũng theo các cơ quan chuyên môn TP Đà Lạt, từ nay đến năm 2030, thành phố cũng tập trung chuyển đổi giống chè già cỗi, năng suất thấp sang canh tác giống chè mới, giá trị kinh tế cao hơn, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Qua đó xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 11 chuỗi cà phê và 4 chuỗi chè, đạt khoảng 75% sản lượng chế biến cà phê nhân xô và 25% cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê đóng chai. Riêng cây chè thu hoạch, đưa vào 100% sản lượng chế biến thành phẩm chè xanh, chè ướp hương, chè đen... 

Từ những nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030 nêu trên, TP Đà Lạt tiếp tục phát triển từ cây chè và cây cà phê chủ lực, đạt chất lượng cao theo chuỗi giá trị gia tăng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững trên địa bàn.