Di Linh: Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế trang trại

VIỆT QUỲNH 20:33, 11/05/2024

(LĐ online) - Chiều 11/5, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07 và Nghị quyết số 08 ngày 08/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Di Linh (khóa XIV) về tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 - 2021 và định hướng đến năm 2025.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Các đồng chí: Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Trần Đức Công - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị.

Theo đánh giá tại Hội nghị, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 và Nghị quyết số 08 về tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Di Linh giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến 2025, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản đã được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung phối hợp triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã phát triển mạnh về số lượng. Tổng số hợp tác xã, tổ hợp tác đã tăng 5 - 5,5 lần so với năm 2017. Đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện Di Linh có 53 hợp tác xã. Thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã là 5,4 triệu đồng/tháng, tăng 1,46 lần so với năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của huyện (4,7 triệu đồng/ tháng).

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Toàn huyện hiện có 555 trang trại với tổng diện tích 1.938,1 ha; giá trị sản xuất đạt 1.103,76 tỷ; thu hút 1.846 lao động thường xuyên và trên 3.000 lao động thời vụ.

Chất lượng hoạt động, giá trị hàng hóa, giá trị sản xuất/đơn vị diện tích của các trang trại ngày càng tăng lên. Có khoảng 60% hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối hiệu quả. Đời sống của các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác xã, chủ các trang trại từng bước nâng cao.

Hiệu quả về thu nhập, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường… có chuyển biến rõ nét. Hầu hết các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại có hiệu quả lan tỏa rõ rệt, thu hút được một bộ phận người dân tích cực hưởng ứng thực hiện.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Di Linh thời gian qua vẫn còn thiếu tính bền vững, thiếu chiều sâu, tăng về lượng nhưng chưa tăng về chất, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Quy mô của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại còn nhỏ lẻ; nguồn vốn sản xuất kinh doanh hạn chế, diện tích canh tác và số lượng thành viên thấp. Công tác quản lý, điều hành còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu. Các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phong phú, đa dạng, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh...

Các đại biểu trình bày những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế này, tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả, thiết thực để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07 và Nghị quyết số 08.

Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: Nguyên nhân khiến cho số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại tăng nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa thật sự đảm bảo; một số hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả thậm chí đang thực hiện thủ tục giải thể ngày càng có chiều hướng tăng lên. 

Công tác thẩm định, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đã chặt chẽ, kỹ lưỡng, đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định? Công tác khảo sát, đánh giá và xác định các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trong các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực nông nghiệp...

Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Huyện ủy Di Linh Đinh Văn Tuấn nhấn mạnh: Trong thời gian tới, việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Di Linh cần phải được các cấp, các ngành và từng địa phương quan tâm, chú trọng hơn nữa, nhất là trong việc khắc phục các “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới.

Để làm được điều này, đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát, nghiên cứu, xây dựng và phát triển đa dạng các loại hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại phù hợp với đặc thù, thế mạnh của từng khu vực, từng địa phương. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo, điều hành, kỹ năng marketing thị trường cho cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ trang trại. Tăng cường chuyển giao khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu và cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Các ngành chức năng của huyện cần thực hiện tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện trong việc triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương nhằm định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại phù hợp trên địa bàn. Phát huy tinh thần, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc chủ động, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến định hướng phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Di Linh trong thời gian tới, góp phần tạo nên sức mạnh tổng thể, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, kinh tế trang trại phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững.


Từ khóa:

Di Linh

Kinh tế

huyện Di Linh

1/5