Điều chỉnh thời gian giải ngân vốn đầu tư công - cơ hội thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

NGUYỆT THU 06:11, 03/05/2024

Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Lâm Đồng khoá X mới đây đã tiến hành xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền; kịp thời điều chỉnh, ban hành 12 nghị quyết phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một trong số 12 nghị quyết được giới doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền quan tâm đó là HĐND tỉnh đã cho phép điều chỉnh thời gian giải ngân vốn đầu tư công trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh. Đây được coi là cơ hội và cũng là điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh.

Nhờ nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 
nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, trở thành khá, giàu
Nhờ nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, trở thành khá, giàu

Theo đó, Nghị quyết số 275 của HĐND tỉnh được thông qua tại Kỳ họp thứ 14 và có hiệu lực từ ngày 19/4/2024, đi vào cuộc sống để thực hiện đó là: Cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công  năm 2023 sang năm 2024; được sử dụng ngân sách cấp tỉnh đến hết ngày 31/12/2024 đối với 1 đề án, 2 nhiệm vụ và 35 dự án. Dự kiến phân bổ cho lĩnh vực y tế với tổng số vốn trên 334 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn ngân sách tập trung là trên 45,3 tỷ đồng; nguồn thu tiền sử dụng đất trên 23,2 tỷ đồng; nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết là trên 130 tỷ đồng; nguồn vốn tăng thu năm 2022 là trên 135 tỷ đồng.

Được biết, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành liên quan, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, danh mục các chương trình, dự án đầu tư được cho phép kéo dài thời gian đó là: chương trình trồng và chăm sóc rừng trồng sau giải toả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023 - 2029. Trong đó có dự án trồng mới năm 2023 của các chủ đầu tư, đơn vị quản lý như: Ban Quản lý (BQL) rừng Lâm Viên, BQL Rừng phòng hộ Tà Nung, BQL Rừng phòng hộ Đa Nhim, Tân Thượng, Phi Liêng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương, Đạ Huoai….đồng thời, bố trí trả nợ những dự án đã thực hiện năm 2020.

Nguồn vốn ngân sách tập trung cũng điều chỉnh thời gian cho chương trình dự án chăm sóc rừng trồng sau giải toả các năm theo Đề án Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng 2020 - 2025.

Bố trí vốn cho các dự án dứt điểm trong năm 2023 cho chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải để triển khai Dự án “Đường gom cao tốc Liên Khương - Prenn”. Dự án Nâng cấp bãi chôn lấp rác thải rắn xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm với chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng thuộc UBND huyện Bảo Lâm với tổng vốn trên 5,8 tỷ đồng. Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn Di Linh gồm Thôn 4, Thôn 5, xã Tam Bố, đường vào khu sản xuất lớn xã Đinh Lạc đi Gia Hiệp; Thôn 17 Hoà Bắc đi Hoà Ninh; cầu La Òn trên tuyến đường Đinh Trang Hòa - Hòa Trung với đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng - UBND huyện Di Linh. Xây dựng đường Trần Khánh Dư, phường Lộc Phát - TP Bảo Lộc với số vốn trên 5,6 tỷ đồng do đơn vị Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng - UBND TP Bảo Lộc làm chủ đầu tư. Dự án Xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả sạt lở tại khu vực đầu đường Khe Sanh - Phường 10, TP Đà Lạt với số vốn 499 triệu đồng do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng - UBND TP Đà Lạt làm chủ đầu tư.

Thống nhất phân bổ vốn và kéo dài thời gian cho một số dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2023 như: Dự án Xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống thu gom nước thải và đường giao thông, hệ thống thoát nước mặt Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng với 608 triệu đồng; Dự án Xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước đường trung tâm thị trấn Lộc Thắng đi Bauxit Tân Rai, huyện Bảo Lâm (giai đoạn 2) với số vốn trên 1,8 tỷ đồng; Dự án Xây dựng nâng cấp tuyến đường trục chính trung tâm xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm nối đường Lý Thường Kiệt - TP Bảo Lộc với số vốn trên 3,2 tỷ đồng; nâng cấp mở rộng đường từ ngã ba Minh Rồng đi xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm với số vốn trên 4 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước HT1, xã Lộc Bảo, Bảo Lâm với số vốn trên 4,4 tỷ đồng…

Thống nhất kéo dài thời gian giải ngân đối ứng vốn ngân sách Trung ương cho Dự án Đường cứu hộ, cứu nạn từ Quốc lộ 27 vào trung tâm xã Rô Men, huyện Đam Rông với tổng vốn trên 12,6 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án  Đầu tư xây dựng - UBND huyện Đam Rông làm chủ đầu tư.

Bố trí phân bổ nguồn vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất cho “Lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 với số vốn trên 2,5 tỷ đồng do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. 

Ngoài ra, Nghị quyết còn thống nhất cho hàng chục các danh mục dự án khác được cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Nghị quyết số 275 HĐND tỉnh cũng đã kịp thời cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đến hết 31/12/2024 đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số vốn trên 9,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình xây dựng Nông thôn mới cho các địa phương Di Linh, Bảo Lâm, TP Bảo Lộc và bố trí các dự án thuộc diện hỗ trợ cho các hợp tác xã theo Quyết định 1804 năm 2020 và Quyết định 167 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Về Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, HĐND tỉnh đồng ý kéo dài thời gian phân bổ cho các dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở các địa phương Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông, Cát Tiên…Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết như Thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm; vùng đặc biệt khó khăn Tiểu khu 72, xã Đạ Long, huyện Đam Rông…Ngoài ra, tiếp tục bố trí vốn đã phân bổ để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư phát triển các trường dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc nội trú, xoá mù chữ cho người dân tộc thiểu số; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, hướng đến thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.