Ghi nhận từ Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Ðạ Tẻh

HOÀNG SA 10:32, 31/05/2024

Trong những năm qua, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát triển rộng rãi trên địa bàn huyện Đạ Tẻh; đồng thời, không ngừng nâng cao về chất lượng. Qua đó, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân.

Anh Nguyễn Thái Sơn, xã Triệu Hải với mô hình trồng quýt đường, sầu riêng,
thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm
Anh Nguyễn Thái Sơn, xã Triệu Hải với mô hình trồng quýt đường, sầu riêng, thu nhập hàng tỷ đồng/năm

Ông Trần Hùng Cường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh cho biết, thời gian qua, hoạt động Hội và phong trào nông dân trên địa bàn có bước phát triển mới cả về lượng và chất; ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; chất lượng hoạt động của Hội, chi hội hàng năm được nâng lên. Năm 2018, huyện Đạ Tẻh có 3 cơ sở hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 8 cơ sở hội hoàn thành tốt nhiệm vụ; 36 chi hội hoạt động vững mạnh xuất sắc, 66 chi hội hoạt động vững mạnh, 3 chi hội hoạt động trung bình. Đến nay, đã có 4 cơ sở hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 5 cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có cơ sở hội hoạt động trung bình; 34 chi hội hoạt động vững mạnh xuất sắc, 43 chi hội hoạt động vững mạnh.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua do Hội phát động, nhất là Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Nếu như năm 2018, toàn huyện có 2.588 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thì đến nay đã có 5.324 hộ đạt danh hiệu; trong đó, cấp Trung ương 13 hộ, cấp tỉnh 231 hộ, cấp huyện 812 hộ, cấp xã 5.324 hộ.
Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu như anh Nguyễn Thái Sơn, xã Triệu Hải với mô hình trồng quýt đường, sầu riêng, thu nhập hàng tỷ đồng/năm, anh đã được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023; anh Nguyễn Trung Hưng, xã Đạ Lây với mô hình sầu riêng, bưởi da xanh, cho thu nhập gần 4 tỷ đồng/năm; anh Nguyễn Hữu Phúc, xã Quốc Oai với mô hình sầu riêng thu nhập 2 tỷ đồng/năm…

Bên cạnh đó, để có điều kiện kịp thời giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, tham gia phát triển kinh tế, đoàn kết tương trợ giúp nhau giảm nghèo, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh đã vận động hội viên nông dân tham gia đóng góp quỹ Hội. Đến nay, số chi hội xây dựng được quỹ đạt 100% với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng, bình quân đạt 596.767 đồng/hội viên. Ngoài ra, nhằm giúp cho hội viên nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, hàng năm Hội Nông dân huyện đều ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn kịp thời đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, ký chương trình liên tịch với Ngân hàng Agribank thực hiện cho vay theo Nghị định 116/2018; phối hợp thành lập mới 24 tổ hợp tác với 360 thành viên, 16 hợp tác xã với 255 thành viên tham gia.

Theo ông Trần Hùng Cường, so với giai đoạn 2012 - 2017, chất lượng và hiệu quả Phong trào Sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh cao, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng năm lên đến hàng tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội. Cụ thể, số hộ có mức thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên chiếm 0,16%, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng chiếm 0,58%, từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng chiếm 3,6%. 

Để Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh, giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để đoàn kết, giúp đỡ để chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với mỗi địa phương. Nêu gương và tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ có hiệu quả đối với các hộ nghèo. Hàng năm, tổ chức phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp cụ thể giúp hội viên, nông dân nghèo có điều kiện tự vươn lên, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân - ông Cường cho hay.