Thông qua các mô hình khuyến nông trong 3 năm qua và kế hoạch nhân rộng trong 2 năm tới, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận nhiều nguồn giống năng suất, chất lượng và kỹ thuật canh tác mới để ứng dụng nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, doanh nghiệp, hộ gia đình…
Mô hình ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau ngoài trời bằng công nghệ IoT tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, hiệu quả kinh tế tăng 5% so với ngoài mô hình |
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, giai đoạn năm 2021 - 2023, Trung tâm đã xây dựng 18 mô hình trồng trọt tổng diện tích gần 57,5 ha. Điển hình 5 mô hình thâm canh và xen canh cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh phục vụ chế biến và xuất khẩu. Cụ thể, trên địa bàn huyện Đam Rông có 3 mô hình thành công. Đó là 7 hộ xã Đạ Tông áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới trồng 7 ha cây dứa MD2 xen trong vườn điều bị sâu bệnh, già cỗi, kém hiệu quả. Kết quả tỷ lệ cây sống đạt 98%, trong đó cây sinh trưởng tốt 75%; sinh trưởng khá và trung bình 23%. Doanh thu trái dứa đạt 5 tấn/ha/năm, tương ứng doanh thu 50 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, người nông dân còn bán thêm 2.000 - 2.500 đồng/chồi dứa kết hợp thu hoạch hạt điều năng suất tăng 20-30%, cộng lợi nhuận khoảng 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Tại xã Đạ K'nàng và xã Phi Liêng, mô hình trồng xen cây hồng không hạt FuJi trên đất cà phê kém hiệu quả với quy mô 2 ha/3 hộ tham gia. Kết quả cây hồng phát triển tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, thu hoạch tăng hiệu quả kinh tế khoảng 30 - 35% so với ngoài mô hình, đồng thời tăng sản lượng cà phê hơn 11%/ha. Và mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh trên cây sầu riêng với quy mô 2 ha/2 hộ của xã Liêng S'rônh và xã Rô Men, áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng trừ dịch hại đã giảm các loại sâu bệnh hại, từ đó giảm được chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 15-20%.
Với địa bàn huyện Bảo Lâm, mô hình trồng và thâm canh cây chanh không hạt gắn với chuỗi liên kết tại xã Lộc Bắc quy mô 3,5 ha/9 hộ tham gia. Thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới phù hợp, mô hình cây chanh không hạt thay thế cây cà phê bị sâu bệnh, già cỗi, kết quả tỷ lệ cây sống 97%, trong đó 70% cây sinh trưởng tốt và 27% cây sinh trưởng khá. “Chiều cao cây chanh không hạt đạt từ 80 đến 100 cm; đường kính cây 2 - 2,5 cm. Chỉ có một số ít cây bị sâu vẽ bùa và bệnh vàng lá thối rễ gây hại, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn nông hộ kịp thời xử lý. Thu hoạch trung bình một cây 30 - 40 kg trái, tương ứng năng suất trung bình 30 - 40 tấn trái/ha/năm, bán với giá 15.000 - 30.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, nông dân thu lãi từ 200-300 triệu đồng/ha/năm. Chanh không hạt là một trong số những nông sản có giá trị xuất khẩu cao và đầu ra ổn định, giúp người nông dân đảm bảo công việc liên tục trong năm, ổn định cuộc sống và có thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng cây cà phê và các cây trồng khác ở các địa phương trong huyện Bảo Lâm”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá.
Cũng trên địa bàn huyện Bảo Lâm giai đoạn năm 2021 - 2023, tiêu biểu mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tác động bơ ra trái vụ với quy mô 2 ha/2 hộ tham gia. Đối chứng với vườn sản xuất đại trà thì năng suất vườn mô hình bơ ra trái vụ thấp hơn 550 kg/ha/năm. Tuy nhiên, sản phẩm bơ trái vụ đầu ra ổn định và giá bán cao hơn bơ đại trà 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, lợi nhuận trên 1 ha tại vườn mô hình cao hơn vườn sản xuất đại trà 150,5 triệu đồng/ha/năm.
Đáng kể thêm, mô hình ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau ngoài trời bằng công nghệ IoT tại xã Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương với quy mô 2 hộ/1 ha, sử dụng thành thạo cách cài đặt, điều khiển và theo dõi chế độ tưới, cung cấp dinh dưỡng thông qua điện thoại thông minh kết nối internet mọi lúc mọi nơi. Theo đó tỷ lệ cây rau ngoài trời sinh trưởng tốt đạt 98%, tỷ lệ các loại sâu tơ, sưng rễ, sương mai gây hại thấp hơn so với ngoài mô hình 2%. Sau trồng 55 - 60 ngày cho thu hoạch, doanh thu 93,5 triệu đồng/1ha, hiệu quả kinh tế tăng 5% so với ngoài mô hình, giúp người sản xuất giảm 20% chi phí công lao động bón phân, tưới nước so với canh tác thông thường.
Mục tiêu khuyến nông trong 2 năm tới hoàn thành giai đoạn 2021- 2025, dựa vào tình hình thực tế để xây dựng mô hình sát với yêu cầu tại địa phương, từ đó hình thành các điểm sản xuất mẫu cho người nông dân tham quan, học tập và áp dụng phù hợp. Thông qua các mô hình khuyến nông được đầu tư theo hướng tiếp cận đa ngành, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng cơ giới hóa, chuyển đổi số, thử nghiệm các đối tượng cây trồng, vật nuôi mới, nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, lựa chọn nguồn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện sinh thái trên địa bàn để phát triển trên diện rộng theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị nông sản tỉnh Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin