Lâm Đồng kiến nghị rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách địa phương 

NGUYỆT THU 06:34, 24/05/2024

Việc rút ngắn thời gian, quy trình quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm là rất cần thiết nhằm giảm sự chồng chéo, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, từ thực tế còn nhiều bất cập, tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính một số giải pháp... 

Việc báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán trước khi trình HĐND tỉnh phê chuẩn dẫn đến chậm tiến độ
Việc báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán trước khi trình HĐND tỉnh phê chuẩn dẫn đến chậm tiến độ

Nhiều năm qua, tình hình thực hiện quyết toán ngân sách cũng như thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt.

Được biết, Kiểm toán Nhà nước đánh giá cơ bản việc Lâm Đồng thực hiện các quy định của pháp luật về NSNN tương đối tốt, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định về trình tự, thủ tục quyết toán NSNN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Lâm Đồng cũng còn một số hạn chế cần khắc phục như công tác quyết toán ngân sách của đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách tỉnh về chất lượng đạt chưa cao; một số cơ quan, đơn vị chưa nhận được sự quan tâm của thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị. Vẫn còn xảy ra tình trạng báo cáo quyết toán thiếu biểu mẫu quy định, nhiều lần điều chỉnh số liệu nên ảnh hưởng phần nào đến thời gian, chất lượng tổng hợp báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, việc HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách vào tháng 12 năm sau dẫn đến các nội dung, dự án được phân bổ từ nguồn kết dư ngân sách không thể giải ngân trong năm, phải chuyển nguồn sang năm sau dẫn tới số kinh phí chuyển nguồn ngân sách tăng qua các năm.

Chính vì vậy, việc rút ngắn thời gian quyết toán ngân sách là hết sức cần thiết, qua đó nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN. Mặt khác, còn tăng cường công tác hậu kiểm, sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… về NSNN. 

Tại hội thảo về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN do Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức mới đây tại Đà Lạt đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo các địa phương, Sở Tài chính, HĐND... Theo đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã kịp thời kiến nghị những bất cập liên quan vấn đề này như: Tại Điều 33, 34 Luật Kiểm toán nhà nước quy định báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phải được kiểm toán nhà nước kiểm toán trước khi HĐND tỉnh phê chuẩn và thời gian thực hiện kiểm toán cũng tương đối dài dẫn đến muộn, phần lớn kết luận kiểm toán nhà nước ban hành sau thời gian HĐND phê chuẩn quyết toán. Nên đôi khi xảy ra trường hợp số liệu kiểm toán thay đổi so với số liệu khi HĐND phê duyệt, và phải đợi đến kỳ họp HĐND lần sau mới xem xét, điều chỉnh được, vì vậy thời gian lại càng kéo dài, dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cũng theo quy định hiện hành, ngoài các quy định của Luật NSNN, Luật Kiểm toán nhà nước, việc tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phải phụ thuộc vào thời hạn cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn đầu tư công; thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Do vậy, để tổng hợp hoàn chỉnh báo cáo quyết toán NSĐP trình HĐND phê duyệt sớm hơn thời hạn quy định của Luật NSNN thì cần có sự điều chỉnh đồng bộ của các cơ quan Trung ương về thời gian chốt số liệu quyết toán thu, chi ngân sách địa phương, thời gian thẩm định nguồn vốn đầu tư công được kéo dài và việc thực hiện các nội dung theo kết luận Kiểm toán nhà nước. Trong trường hợp không có sự điều chỉnh thống nhất trong các quy định hiện hành thì việc rút ngắn thời hạn lập quyết toán sẽ dẫn đến báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phải điều chỉnh nhiều lần, thậm chí các báo cáo đó đã gửi tới Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước và HĐND.

Lâm Đồng kiến nghị Trung ương cần có sự thống nhất về biểu mẫu tổng hợp báo cáo; cần có sự kết nối liên thông, tích hợp giữa cơ quan, đơn vị dự toán với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý vốn đầu tư công và Kho bạc Nhà nước để sử dụng phần mềm chung giữa các cấp ngân sách. Thực tế hiện nay đang sử dụng 2 biểu mẫu nên thời gian thực hiện, tổng hợp còn kéo dài thời gian.

Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương khác đã kiến nghị cần tăng cường trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách, thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách cũng cần tăng cường chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN đảm bảo thu, chi theo quy định pháp luật. Thực hiện sử dụng NSNN đúng dự toán giao, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách… Mặt khác, kiến nghị việc kiểm tra số liệu tổng hợp quyết toán ngân sách của đơn vị dự toán cấp dưới trực tiếp đảm bảo khớp đúng với dự toán được giao, chi tiết theo từng lĩnh vực chi, nhiệm vụ và nội dung chi.

Lâm Đồng cũng kiến nghị Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn việc quyết toán vốn Nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 35 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phía HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng có kiến nghị về việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán bằng cách xem xét theo hướng HĐND cấp trên không phê duyệt quyết toán ngân sách cấp dưới; có thể nghiên cứu không trình HĐND cấp huyện, cấp xã phê duyệt quyết toán nếu đã được Kiểm toán nhà nước kết luận. Như vậy, sẽ góp phần giảm thời gian, thủ tục nhằm có thêm nhiều thời gian để các cơ quan cấp tỉnh thẩm định, thẩm tra, phê duyệt.