Lấp “lỗ hổng” hóa đơn điện tử xăng, dầu

DIỄM THƯƠNG 05:24, 22/05/2024

Chủ trương phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, minh bạch hóa nền kinh tế, tăng thu ngân sách cũng như mang lại lợi ích với các đối tượng nộp thuế. 

Phát hành hóa đơn điện tử từng lần 
bán hàng đã góp phần 
thúc đẩy chuyển đổi số, minh bạch hóa 
nền kinh tế
Phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, minh bạch hóa nền kinh tế

Theo đó, đến hết ngày 31/3, toàn bộ các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu phải hoàn thành việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu cho khách hàng theo từng lần bán hàng và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định. Tuy vậy, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp tỏ ra lúng túng so với yêu cầu.

Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến thời điểm ngày 29/3/2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có 100% số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đang hoạt động đã thực hiện lắp đặt các ứng dụng thực hiện được việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng, dầu. Toàn tỉnh hiện có 340 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu của 220 đại lý và nhận quyền bán lẻ xăng, dầu, trong đó có 160 đại lý, còn lại 60 nhận quyền và tổng mức tiêu thụ xăng, dầu tại tỉnh Lâm Đồng hàng năm là khoảng 370.000 m3.

Tuy nhiên, số lượng cửa hàng lắp đặt các ứng dụng lập hóa đơn điện tử không phải kết nối tự động truyền dữ liệu từ trụ bơm đến máy tính đề lập hóa đơn điện tử. Số cửa hàng này chiếm tỷ lệ lớn trên địa bàn toàn tỉnh.

Do đó để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được thực hiện đúng quy định tại điểm i, khoản 4, Điều 9, Nghị định số 123 ngày 19/10/2020 của Chính phủ, Cục Thuế kiến nghị UBND tỉnh xem xét có văn bản chỉ đạo UBND huyện, thành phố trong tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập trong quý I/2024; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và cương quyết xử lý đối với các trường hợp đã lắp đặt các ứng dụng lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ theo quy định.

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Ngành Thuế đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương thực hiện kiểm tra, xử lý, cương quyết đình chỉ hoạt động, rút giấy phép đối với các trường hợp đã lắp đặt ứng dụng lập được hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng nhưng cố tình không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ theo quy định; Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động chỉ đạo lực lượng công chức quản lý thị trường trong tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; trường hợp phát hiện các hành vi bán hàng nhưng không lập hóa đơn theo quy định, lập biên bản vi phạm hành chính, đề xuất xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Cục Thuế tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc nghiên cứu các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thực hiện được việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng căn cứ theo dữ liệu được kết nối tự động từ trụ bơm tới máy tính và truyền dữ liệu tới cơ quan thuế.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, vừa qua, với tinh thần quyết tâm phấn đấu hết ngày 31/3/2024, 100% các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn Đội Quản lý thị trường số 2 quản lý đã hoàn thành triển khai quy định lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định số 123, cùng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng thông tin đến các đơn vị kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh nội dung như: Lợi ích của việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Giúp thị trường kinh doanh xăng, dầu minh bạch, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; Ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng, dầu; Doanh nghiệp có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn; Đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về kinh doanh xăng, dầu.

Đồng thời, hướng dẫn tuyên truyền trách nhiệm của người bán: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Trường hợp bán xăng, dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng, dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày.

Để triển khai quyết liệt vấn đề này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Công an tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố bám sát theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng cơ quan thuế trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng, dầu tại địa phương. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng, dầu tại địa phương và kết nối điện tử với cơ quan thuế.

 Cùng với đó, UBND tỉnh Lâm Đồng kêu gọi các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện nghiêm túc theo Nghị định số 123 và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; đồng thời, khuyến khích, kêu gọi người dân sử dụng, lấy hóa đơn điện tử sau mỗi lần giao dịch để tham gia chương trình “hóa đơn may mắn” do ngành Thuế phát động hàng tháng.

Mỗi lần bơm xăng cho khách hàng, đồng thời cơ sở kinh doanh xăng, dầu phải xuất hóa đơn cho khách, không phân biệt số lượng, giá trị và khách hàng có lấy hóa đơn hay không. Cơ sở kinh doanh phải lưu trữ đầy đủ dữ liệu hóa đơn từng lần bán hàng và xuất trình cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Đây không chỉ là quy định bắt buộc phải thực hiện theo Luật Quản lý Thuế mà còn là một trong những điều kiện để được cấp phép và gia hạn cấp phép hoạt động kinh doanh xăng, dầu theo quy định tại Nghị định số 80 của Chính  phủ.

Theo Tổng cục Thuế, việc xuất hóa đơn điện tử xăng, dầu theo từng lần bán với các quy định rõ ràng đã mang lại lợi ích kép. Đó là các doanh nghiệp thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng, dầu sẽ góp phần giúp tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng, dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng, dầu, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, việc bắt buộc phải xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng sẽ giúp đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Các cá nhân, hộ kinh doanh lấy hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (bao gồm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền) khi mua xăng, dầu nói riêng và mua hàng hóa, dịch vụ nói chung sẽ được đảm bảo quyền lợi tiêu dùng, giúp người dân tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh.