Ngành Giao thông Vận tải Lâm Đồng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị

NGUYỄN NGHĨA 06:29, 21/05/2024

5 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và sự cắt giảm đầu tư công, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự huy động hiệu quả các nguồn lực và tinh thần trách nhiệm cao của ngành, nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực GTVT đã được ghi nhận.

Một góc nông thôn Cát Tiên
Một góc nông thôn Cát Tiên

NÂNG TẦM KẾT NỐI GIAO THÔNG KHU VỰC 

Nhận thức rõ vai trò then chốt của hạ tầng giao thông trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực triển khai nhiều dự án giao thông đối ngoại trọng điểm, góp phần kết nối giao thông khu vực và mở ra tiềm năng phát triển cho địa phương.

Điển hình trong số đó là tuyến đường QL27 đoạn tránh Liên Khương; tuyến đường ĐT724 và xây dựng 3 cây cầu đã được quan tâm đầu tư và hoàn thành trong thời gian gần đây, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối giao thông với tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, các dự án trọng yếu như đường ĐT722 (nối Đắk Lắk), đường ĐT729 (nối Bình Thuận), đoạn Ma Nới - Tà Năng (nối Ninh Thuận) và cầu Mỏ Vẹt (nối Đồng Nai) đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành trước năm 2025.

Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa cùng một số công trình giao thông trên QL20 cũng đã được khởi công, tạo tiền đề cho việc triển khai các tuyến đường xương cá tăng kết nối liên vùng như tuyến Quốc lộ 28B - trục giao thông đối ngoại quan trọng theo hướng Đông - Tây. Tuyến đường này hứa hẹn sẽ kết nối trực tiếp với Quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, mở ra cơ hội phát triển to lớn cho khu vực, đặc biệt là "tam giác du lịch" Đà Lạt - Phan Thiết - TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Duy Lạng - cán bộ hưu trí ngành GTVT phấn khởi bày tỏ: "Gần đây, những nỗ lực đầu tư vào các tuyến giao thông đối ngoại của Lâm Đồng là một bước đi đáng khen ngợi và cần thiết. Bởi theo tôi, việc phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại không chỉ giúp nâng cao khả năng kết nối của tỉnh mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước. Đầu tiên, việc đầu tư vào các tuyến giao thông đối ngoại sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại. Lâm Đồng có tiềm năng phát triển nhiều ngành kinh tế, như nông nghiệp, du lịch, và sản xuất công nghiệp nhẹ. Các tuyến đường giao thông tiện lợi sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng đầu ra cho sản phẩm cả trong nước lẫn xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, và mở rộng cơ hội hợp tác với vùng, các quốc gia. Thứ hai, việc nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông đối ngoại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch và phát triển ngành công nghiệp dịch vụ”. 

Với mục tiêu tiếp tục tập trung giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, hiện thực hóa đường cao tốc, với quyết tâm cao ngay từ đầu nhiệm kỳ này, tỉnh Lâm Đồng hiện đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương để phấn đấu khởi công vào quý IV/2024, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

TỪNG BƯỚC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐỊA PHƯƠNG

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của giao thông đối nội trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tỉnh Lâm Đồng đã và đang nỗ lực đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường trọng điểm. Mạng lưới giao thông nội tỉnh ngày càng thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất, giao thương, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết, 5 năm qua, được sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư của tỉnh, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân; tỉnh đã triển khai và hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng như: Dự án Nâng cấp đèo Prenn; Đường gom cao tốc Liên Khương - Prenn; tuyến đường nối xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông với xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà... Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục triển khai nhiều dự án khác gồm: Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành; xây dựng 5 cầu yếu; nâng cấp đường ĐT724 đoạn từ Km64+509 đến Km71+170, huyện Đam Rông; xây dựng đường vành đai TP Đà Lạt;… và hoàn thành nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên huyện, liên xã.

Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị đầu tư các Dự án Nâng cấp đường nối từ đường ĐT725, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đến ranh giới tỉnh Đắk Nông; xây dựng đường tránh TP Đà Lạt từ chân đèo Prenn đến xã Xuân Thọ; nâng cấp tuyến đường ĐT721 đoạn Km0+000 - Km 16+600, huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh,...

Việc đầu tư giao thông đối nội đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Bà Nguyễn Thị Bảy, một người dân ở huyện Cát Tiên chia sẻ: "Trước đây, đường sá ở đây rất khó khăn, đi lại vất vả, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Những năm qua, nhờ có đường mới được xây dựng, giờ đây việc đi lại dễ dàng hơn nhiều, sản phẩm nông sản của nông dân cũng được vận chuyển nhanh chóng, giá cả cao hơn".

Bên cạnh đó, nhờ hệ thống giao thông nội tỉnh ngày càng được hoàn thiện, người dân nông thôn có thể dễ dàng tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống. Giao thông thông suốt cũng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cả ở những địa phương ở nông thôn, tạo thêm việc làm cho người dân.

Ngoài ra, để đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; bên cạnh việc nâng cấp các tuyến đường, mở rộng các nút giao, tỉnh cũng đã quan tâm triển khai lắp đặt hệ thống đèn giao thông góp phần giảm tai nạn giao thông; đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát trên tuyến Quốc lộ 20, trung tâm TP Đà Lạt và Bảo Lộc, trung tâm các thị trấn trên địa bàn các địa phương đã đem lại nhiều kết quả, góp phần kiểm soát tốc độ các phương tiện tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.