Tưới tiết kiệm cho sầu riêng vùng xa

DIỆP QUỲNH 06:12, 15/05/2024

Liêng S'rônh - xã vùng sâu của huyện xa Đam Rông vừa trải qua những ngày nắng nóng khốc liệt kéo dài. Cây sầu riêng, thứ cây ăn trái cho quả vàng đòi hỏi nước tưới thường xuyên cũng đã trải qua giai đoạn nhiều tháng không mưa. Nhưng với sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân, việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp cây sầu riêng vượt qua giai đoạn khô hạn với lượng nước tiết kiệm và giảm cả chi phí lao động.

Anh Đào Duy Linh tưới phân bón lá cho sầu riêng
Anh Đào Duy Linh tưới phân bón lá cho sầu riêng

Anh Đào Duy Linh, xã Liêng S'rônh là một trong những nông dân có diện tích sầu riêng lớn. Anh chọn trồng giống sầu riêng Musang King, với tiêu chí trồng thuần trên diện tích 4 ha. Anh Linh cho biết, cây sầu riêng là giống cần nước, vào mùa khô, nông dân phải tưới 2-3 lần mỗi tuần mới đảm bảo nhu cầu nước của cây. Vùng Liêng S'rônh đất dốc, việc kéo ống, tưới dí vừa tốn nước, vừa tốn công lao động.

Vì vậy, học hỏi nông dân xung quanh, anh Đào Duy Linh đã đầu tư 150 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động. Tận dụng địa thế đất dốc, anh đã đào hồ chứa nước, lắp đặt ống chạy xuôi tới từng gốc sầu riêng. Mỗi khi tưới, anh chỉ cần mở van, nước sẽ xuống từng gốc sầu riêng nhẹ nhàng. Không chỉ tưới nước, hệ thống còn sử dụng để bón phân cho sầu riêng hết sức tiết kiệm. Anh Linh chia sẻ: “Trước đây, việc tưới nước cho vườn khá vất vả, bốn ha sầu riêng cần tới 2-3 người kéo ống, tưới cả ngày mới xong. Từ khi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tôi chỉ cần mở van là có nước tưới. Nước chảy trực tiếp vào từng gốc nên hao hụt rất ít. Tính ra, nhà tôi tiết kiệm được 50% lượng nước và 30% lượng phân bón. Về công lao động cũng giảm nhiều, nói chung là giảm chi phí so với tưới thường là rất nhiều, trồng sầu riêng khoẻ hẳn”.

Không chỉ hộ anh Đào Duy Linh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Liêng S'rônh cũng đã áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Chị Kơ Liêng Ka Sràng là hộ nông dân đầu tiên trong xã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng 500 cây của gia đình. Chị Ka Sràng là điển hình cho nông hộ áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm với chi phí nhỏ. Theo chị Sràng, tận dụng nguồn nước từ núi chảy xuống vườn tự nhiên, chị mua ống, tự lắp đặt hệ thống tưới tới từng gốc cây. Cây sầu riêng đủ nước, đủ phân bón đơm hoa kết trái rất tốt. Vụ sầu riêng 2023, chị thu được 1,5 tấn trái bói. Vụ sầu riêng 2023, được chăm bón tốt, chị hi vọng vườn sẽ thu được 10-15 tấn trái, mang lại một khoản thu nhập tốt cho gia đình. Chị Sràng cũng cho biết thêm, không chỉ giảm chi phí kéo ống, chi phí dầu tưới, tưới tiết kiệm còn giúp cây sầu riêng hấp thụ nước được hết, không lãng phí. Chị chia sẻ, nông dân vùng Liêng S'rônh học hỏi lẫn nhau, hộ nào cũng áp dụng tưới tiết kiệm để giảm chi phí.

Chị Kơ Liêng K’Rim - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông chia sẻ, nông dân vùng sâu giờ cũng đã có ý thức trong việc ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm. Ở nhiều vùng, với lợi thế có những nguồn nước tự nhiên, bà con đã dẫn nước từ trên núi, theo các đường ống về tận vườn. Chỉ cần mở van là có nước tưới, không tốn điện để vận hành. Còn những hộ không có nguồn nước chảy tự nhiên, các nhà vườn đào hồ chứa, lắp hệ thống tưới phun bằng điện.

Toàn xã Liêng S'rônh hiện có 800 ha sầu riêng, trong đó 50% diện tích đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Những nhà vườn chưa áp dụng cũng đã có hướng đầu tư để thay đổi cách tưới truyền thống. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất sầu riêng của xã tăng lên đáng kể, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao. Cùng với giá của loại trái cây này ổn định trong vài năm qua đã giúp đời sống của bà con tăng lên đáng kể. Chị K’Rim cho biết: “Tưới tiết kiệm sẽ là mục tiêu của chúng tôi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Xưa nay, bà con vẫn nghĩ nước là của tự nhiên, nông dân sử dụng thoải mái. Nay qua các phương tiện thông tin, báo, đài đưa tin, bà con đã biết nước là nguồn tài nguyên rất quý, phải sử dụng tiết kiệm. Vì vậy, ngoài việc giảm chi phí dầu tưới, công lao động, giảm vất vả cho người nông dân, tiết kiệm nước cũng được bà con Liêng S'rônh chú trọng”. Chị K’Rim cũng cho biết, ngành Nông nghiệp cũng như Hội Nông dân đang xây dựng thêm những mô hình tưới tiết kiệm, giúp bà con trồng sầu riêng, trồng cây ăn trái, trồng dâu ứng dụng vào sản xuất thực tế, giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước quý giá.