(LĐ online) - Qua ra soát cho thấy, toàn huyện Bảo Lâm đang có 51.244,2 ha nằm trong ranh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 theo Quyết định 866 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện, quy hoạch khoáng sản đang chồng lấn nhiều quy hoạch khác gây khó khăn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống người dân.
Hoạt động khai thác bô xít tại Dự án Bô xít - Nhôm Lâm Đồng huyện Bảo Lâm |
Theo lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm, diện tích 51.244,2 ha nằm trong ranh quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chiếm tới 35,03% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Đặc biệt, diện tích nằm trong ranh quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866 chủ yếu đất khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp..., phần diện tích còn lại là đất rừng, đất quốc phòng.
Trong đó có khoảng 717,30 ha quy hoạch đất ở đô thị; 5.828,52 ha quy hoạch đất ở nông thôn; 21.854,77 ha quy hoạch đất nông nghiệp (chiếm 37% diện tích đất nông nghiệp toàn huyện); 18.657,03 ha quy hoạch đất lâm nghiệp (rừng đặc dụng là 8,96 ha, rừng phòng hộ là 0,44 ha và rừng sản xuất 18.647,63 ha); 4.186,58 ha quy hoạch các loại đất còn lại như mặt nước, giao thông.
Diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nằm trên địa bàn thị trấn Lộc Thắng và 9 xã Lộc Ngãi, Lộc Phú, B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Lâm, Lộc Tân, Lộc Đức, Lộc Bắc và Lộc Bảo.
Hiện tại, ranh quy hoạch khoáng sản đang ảnh hướng đến đến cuộc sống khoảng 65.574/122.117 người dân, chiếm 53,7% dân số toàn huyện. Bảo Lâm là huyện thuần nông, đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ lực như cà phê, chè, dâu tằm và các loại cây ăn trái. Việc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đang ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân; tác động không nhỏ đến tâm lý khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân bị đảo lộn.
Toàn huyện Bảo Lâm có hơn 51.200 ha nằm trong ranh quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó thị trấn Lộc Thắng có diện tích quy hoạch khoáng sản chiếm 75,36% diện tích tự nhiên |
Cùng với hoạt động sản xuất nông nghiệp, quy hoạch khoáng sản còn ảnh hưởng đến nhiều công trình, dự án trên địa bàn huyện như cụm công nghiệp thị trấn Lộc Thắng, với 32,29 ha; các dự án, công trình điện lưới trên địa bàn; quy hoạch Khu dân cư khu phố 8, Lộc Thắng phục vụ dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; các công ty, doanh nghiệp chế biến trà, cà phê trên địa bàn huyện; các dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng; hệ thống đường giao thông nông liên huyện, liên xã, giao thông đô thị, nông thôn trên địa bàn; các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu hành chính từ huyện đến các xã, thị trấn như trụ sở, trường học, y tế và các công trình tôn giáo; ngoài ra còn có các công trình nghĩa trang, hồ đập thủy lợi phục vụ sản xuất của người dân thị trấn Lộc Thắng và 9 xã liên quan.
Qua đối chiếu quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản còn trùng lắp nhiều quy hoạch khác trên địa bàn huyện Bảo Lâm làm ảnh hưởng gây khó khăn, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như quy hoạch vùng; điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Lộc Thắng và các quy hoạch chi tiết; quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của các xã.
Cũng theo UBND huyện Bảo Lâm, quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản sẽ gây khó khăn, hạn chế cho định hướng phát không gian, phân vùng của huyện Bảo Lâm giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, theo quy hoạch sử dụng đất Huyện Bảo Lâm đến năm 2030 được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt theo Quyết định số 1898/QĐ-UBND ngày 02/10/2023 thì chỉ tiêu đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện là 1.180 ha. Đối chiếu với Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ tiêu sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản có sự chênh lệch quá lớn.
Ngoài ra, việc cập nhật ranh quy hoạch khoáng sản theo Quyết định số 866 còn ảnh hưởng đến các chỉ tiêu quy hoạch các loại đất khác liên quan đến thu hút đầu tư; chuyển mục đích sử dụng đất của người dân thị trấn Lộc Thắng và 9 xã liên quan.
Hiện tại, UBND huyện Bảo Lâm đã báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo Quyết định 866 để có hướng điều chỉnh phù hợp. Qua đó, đảo bảo sự phát triển kinh tế - xã hội cung của địa phương, vì lợi ích quốc gia và ổn định cuộc sống, sản xuất hơn 65.700 người dân trên địa bàn.
Đối với các dự án, công trình cấp bách, quan trọng liên quan đến đầu tư công; các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật cần được xem xét tháo gỡ khó khăn để triển khai vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, đặc biệt quan trọng là dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
UBND huyện Bảo Lâm cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chủ trì, phố hợp kiểm tra nơi có khoáng sản lập đề án triển khai khoanh định chính xác tọa độ Dự án xây dựng mới đường dây 500 kV Ninh Sơn - Chơn Thành qua địa bàn huyện.
UBND huyện Bảo Lâm cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm xem xét có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do chồng lấn giữa các vùng bị tác động quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866 với Quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân về các vấn đề đất đai, xây dựng, đời sống, sinh hoạt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin