Di Linh: Còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế tập thể

VIỆT QUỲNH 06:09, 18/06/2024

Tăng về lượng nhưng chưa tăng về chất; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; thiếu tính bền vững, thiếu chiều sâu,... là tình hình thực tế trong việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Di Linh mà lãnh đạo huyện thẳng thắn nhìn nhận, từ đó tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thời gian tới.

HTX Cà phê Hoa Linh (xã Tân Châu) là 1 trong những HTX được thành lập trong năm 2023 trên địa bàn huyện Di Linh
HTX Cà phê Hoa Linh (xã Tân Châu) là 1 trong những HTX được thành lập trong năm 2023 trên địa bàn huyện Di Linh

TĂNG VỀ SỐ LƯỢNG

Đối với địa phương có thế mạnh về nông nghiệp như huyện Di Linh, lãnh đạo huyện xác định phát triển kinh tế tập thể là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, chất lượng của nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nói riêng. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (Khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Di Linh giai đoạn 2017 - 2021 và định hướng đến 2025.
 
Nghị quyết được xem là động lực thúc đẩy tính liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Từ đó tạo tiền đề, động lực để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân.

Theo đánh giá của Huyện ủy Di Linh, qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 07, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trong những năm qua trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, phát triển mạnh về số lượng. Tổng số HTX, THT đã tăng 5 - 5,5 lần so với năm 2017. Đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện có 53 HTX, trong đó có 22 HTX hoạt động tương đối hiệu quả, 13 HTX chưa đủ điều kiện đánh giá, 18 HTX ngưng hoạt động. Hình thức liên kết theo mô hình THT trong giai đoạn 2017-2023 cũng phát triển tương đối mạnh với 34 THT.

Hiện, tổng số lao động làm việc thường xuyên trong các HTX là 2.305 lao động, tăng 1.587 lao động so với năm 2017. Thu nhập bình quân của thành viên HTX năm 2023 là 5,4 triệu đồng/tháng, tăng 1,46 lần so với năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của huyện (4,7 triệu đồng/ tháng). Đời sống của các thành viên HTX, THT từng bước nâng cao. Hiệu quả về thu nhập, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường… có chuyển biến rõ nét, góp phần tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. 

Cùng với đó, trên địa bàn huyện Di Linh hiện có 5 Quỹ tín dụng. Các Quỹ tín dụng đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế HTX kiểu mới trong lĩnh vực tín dụng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, hạn chế cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

CÒN NHIỀU “ĐIỂM NGHẼN” CẦN THÁO GỠ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh cũng thẳng thắn chia sẻ: Mặc dù tăng về số lượng, nhưng các HTX, THT trên địa bàn huyện phát triển chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là loại hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp; các loại hình kinh tế tập thể về thương mại - dịch vụ - du lịch, môi trường hầu như không phát triển; loại hình về vận tải thì hoạt động rất khó khăn.

Bên cạnh đó, chỉ có một số HTX, THT nổi trội với doanh thu cao, còn lại hầu hết đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, số lượng thành viên ít. Trình độ, năng lực của cán bộ HTX, THT còn hạn chế, hầu như chưa qua đào tạo, chỉ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nên còn lúng túng trong hoạt động, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Phương thức sản xuất còn lạc hậu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX chưa đa dạng, chủ yếu là thực hiện dịch vụ đầu vào như phân bón, vật tư nông nghiệp, Việc bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa ổn định. Sản phẩm đầu ra chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến sâu và chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, chưa tạo sự gắn kết và thu hút xã viên đăng ký tham gia HTX. Các HTX còn gặp khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, khoa học - công nghệ. Ngoài ra, tài sản, tài chính của các THT hầu như không có. Hoạt động của các THT chủ yếu là chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất; giúp tư vấn về kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; chưa thể hiện vai trò mua chung, bán chung. 

Trong thời gian tới, huyện Di Linh tiếp tục quan tâm, chú trọng việc phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, tập trung khắc phục các “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới. 

Bí thư Huyện ủy Di Linh khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo chung của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy là cần tập trung phát triển kinh tế tập thể phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế hàng hóa tập trung với quy mô lớn trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ tại nông thôn”.