Hiện thực hóa giấc mơ cao tốc (Bài 1)

NGUYỄN NGHĨA 06:13, 14/06/2024

Lâm Đồng đang đặt quyết tâm chính trị rất cao và nỗ lực bàn bạc với các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ để sớm khởi công song song 2 Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Sau bao lần lỗi hẹn, liệu quyết tâm lần này có thành hiện thực, góp phần vun đắp lại niềm tin của Nhân dân về một "cung đường mơ ước" kéo Lâm Đồng ngày càng gần hơn với thủ phủ kinh tế khu vực phía Nam?

Bài 1: Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Từ khát vọng kết nối đến niềm vui dang dở

Từ lâu, người dân Lâm Đồng đã mơ ước về một tuyến cao tốc nối liền tỉnh nhà với TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Ước mơ này không chỉ hướng tới sự thuận tiện cho việc đi lại, giao thông mà còn nhắm đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa cho Lâm Đồng. 

Điểm cuối cao tốc Liên Khương nối vào chân đèo Prenn
Điểm cuối cao tốc Liên Khương nối vào chân đèo Prenn

Năm 2022, niềm vui vỡ òa khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hai dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Tổng chiều dài hai dự án này là 140 km, hứa hẹn sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Lâm Đồng đến TP Hồ Chí Minh xuống còn một nửa. Tuy nhiên, niềm vui ấy chẳng tày gang khi sau hai năm, dự án vẫn chưa thể khởi công do nhiều vướng mắc khiến cho dự án "dậm chân tại chỗ".

CUNG ĐƯỜNG MƠ ƯỚC

Người dân Lâm Đồng đã nuôi ước mơ về một con đường cao tốc nối liền tỉnh này với TP Hồ Chí Minh từ rất lâu. Ước mơ này đã được thể hiện qua nhiều chương trình làm việc của lãnh đạo tỉnh và qua tiếng nói của các đại biểu Quốc hội trong suốt nhiều thời kỳ.

Mặc dù Lâm Đồng có vị trí địa lý không thuận lợi, nhưng vẫn là một mảnh đất giàu tiềm năng. Tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Lâm Đồng, thu hút đầu tư và tạo điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, hàng hoá nông sản của Lâm Đồng khi vận chuyển đến chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh hoặc bến cảng để xuất khẩu gặp nhiều hạn chế do giao thông không thuận lợi. Lái xe chở nông sản phải đối mặt với áp lực lớn để đảm bảo thời gian giao hàng, và việc vận chuyển hàng hoá trên Quốc lộ 20 trở thành một thách thức đáng kể. Các nhà sản xuất, nông dân và các doanh nghiệp cũng mong muốn quãng đường từ Lâm Đồng tới các vùng lân cận được rút ngắn, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh.

Anh Phan Hồng Sơn - một lái xe tải chở nông sản Đà Lạt đi chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh cảm thán: “Chở rau đi chợ đầu mối, ngoài áp lực rủi ro trên đường về an toàn giao thông, chúng tôi còn gặp phải áp lực rất lớn là phải đảm bảo thời gian giao hàng cho các vựa, hay doanh nghiệp theo yêu cầu của chủ hàng. Với chiều dài 300 km của tuyến Quốc lộ 20 với nhiều làn xe hỗn hợp, lại ngang qua nhiều khu dân cư đông đúc nhưng phải canh chạy sao trong vòng 4 đến 5 tiếng thôi để đảm bảo rau, hoa vẫn còn tươi, đảm bảo chất lượng hàng hóa, còn phải canh đúng giờ được phép ra vào trong nội ô thành phố của phương tiện xe tải chở loại hàng hoá nông sản là rau, hoa dễ bị dập nát là một áp lực rất lớn. Các lái xe chở nông sản luôn phải phóng nhanh đến nỗi những chiếc xe tải chở rau, chở nông sản từ Lâm Đồng đi các nơi được đặt luôn cho biệt danh là “nhất xe khách Cà Mau - nhì xe rau Đà Lạt”.

Bà Phạm Ngọc Quỳnh - một nông dân ở Hiệp An, Đức Trọng thì chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới, đường giao thông nông thôn giờ ô tô tải vào tận vườn thu mua sản phẩm, thuận lợi hơn rất nhiều. Nên chúng tôi mơ ước một tuyến cao tốc nối thẳng đến TP Hồ Chí Minh nữa để rau, hoa của chúng tôi đảm bảo tươi ngon. Nếu có cao tốc, thì chỉ mất nửa ngày là rau, hoa có thể đến tận tay người tiêu dùng sớm hơn. Hàng hoá phục vụ sản xuất, chế biến nông sản đến với chúng tôi cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Cùng với ngành Nông nghiệp, ngành Du lịch cũng hy vọng sự hiện diện của tuyến cao tốc này. Anh Việt Chung - Giám đốc Công ty Viet Challenge tours chia sẻ: “Anh em làm du lịch chúng tôi mơ ước tuyến cao tốc từ rất lâu rồi. Với những người làm du lịch lữ hành như chúng tôi, tuyến cao tốc sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng rất lớn không chỉ với du lịch Đà Lạt mà cả các địa phương vệ tinh lân cận. Thị trường TP Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận vốn dĩ là thị trường khách du lịch nội địa chính của Lâm Đồng, Đà Lạt. Vì vậy, nếu giao thông thuận lợi sẽ tự khắc khiến người thích đi, và tần suất du lịch cũng sẽ dày hơn, hoạt động dịch vụ, du lịch Đà Lạt sẽ có cơ hội rất lớn để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn chứ không chỉ đông đúc vào dịp hè hay ngày lễ nữa”.

Sơ đồ toàn tuyến cao tốc Tân Phú đến Liên Khương
Sơ đồ toàn tuyến cao tốc Tân Phú đến Liên Khương

• CHẬM TRỄ TIẾN ĐỘ 

Sau nỗ lực kéo dài, vào năm 2022, việc Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã mang lại niềm vui lớn nhất cho chính quyền và người dân tỉnh Lâm Đồng. Không vui sao được khi suốt một thời gian dài, người dân Lâm Đồng đã mong chờ tuyến cao tốc này. Mọi người đều nhận thấy rằng, tuyến đường cao tốc này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp từ thành thị đến nông thôn trên khắp các khu vực của tỉnh Lâm Đồng dễ dàng giao thông và kết nối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và văn hoá.

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được phê duyệt với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km. Đây là hai dự án trong tuyến cao tốc 200,3 km Dầu Giây - Liên Khương, kết nối hai tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh. Điểm đầu tiên nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương - Prenn. Khi đi vào hoạt động chính thức, toàn bộ hệ thống cao tốc sẽ có 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với vận tốc thiết kế lên đến 100 km/giờ. Cả hai đoạn cao tốc này là phần của Dự án tuyến Dầu Giây - Liên Khương.

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng, cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, đồng thời hỗ trợ 2.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để triển khai. Cả hai dự án này đều được giao thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Mặc dù dự kiến khởi công vào năm 2023, nhưng đã phải hoãn lại nhiều lần vì nhiều lý do. Sự chậm trễ so với quyết tâm chính trị của tỉnh có nhiều nguyên nhân, bao gồm thiếu kinh nghiệm triển khai dự án của tỉnh và những rào cản khách quan từ điều kiện và yếu tố khác. Sự chậm trể trong triển khai dự án đã làm cho người dân Lâm Đồng ít nhiều cảm thấy thất vọng khi dự án chậm tiến độ thực hiện... 

(CÒN NỮA)