(LĐ online) - Cùng với cây trồng chủ lực cà phê, dâu, rau hoa..., tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà), người dân đã có hướng đi rất mới khi trồng và chiết xuất thành công tinh dầu từ cây hương thảo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HƯỚNG ĐI MỚI CỦA NGƯỜI TRẺ
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng hương thảo rộng tới 3,5ha tại thị trấn Nam Ban, chị Lê Thị Châu (32 tuổi) và chồng là anh Nguyễn Văn Phận cho biết việc bén duyên với cây hương thảo của 2 vợ chồng tới rất tình cờ.
Từ 10 cây hương thảo trồng thử nghiệm ban đầu, gia đình chị Châu giờ đã mở rộng trồng lên 3,5ha |
Ban đầu chỉ là 10 cây hương thảo được một người bạn tặng đầu năm 2017, sau đó khi 2 vợ chồng quyết định công việc ổn định tại TP Đà Lạt để về Lâm Hà làm nông nghiệp. Và cây trồng đầu tiên được chăm chút, trồng thử nghiệm tại khu vườn của gia đình là 10 cây hương thảo. Khi cây phát triển nhanh, anh chị Châu - Phận lại cắt tỉa rồi ươm dần ra các vạt đất xung quanh. Và chỉ tới giữa 2017, khi cây giống đủ nhiều, đủ mạnh, vợ chồng chị Châu bàn với bố mẹ cải tạo 2.000m2 vườn cạnh nhà để trồng thử.
Thời gian đầu, khi vườn hương thảo chưa cho doanh thu, vợ chồng chị Châu phụ giúp bố mẹ sản xuất rau, cà phê để kiếm tiền sống qua ngày. Cô gái 32 tuổi thổ lộ, đó là khoảng thời gian áp lực, khó khăn do không có khoản thu nhập ổn định, không có tích lũy nên cả hai phải xoay xở khắp nơi để nuôi tiếp giấc mơ khởi nghiệp.
Gia đình chị Châu chiết xuất tinh dầu nguyên chất từ cây hương thảo được nhiều người ưu chuộng |
“Từ 35 triệu đồng ít ỏi, tôi và vợ đã thuê thợ thiết kế, xây dựng hệ thống chiết xuất tinh dầu. Đó cũng là chìa khóa mở ra cánh cửa cho một sự khởi đầu mới", anh Nguyễn Văn Phận chia sẻ. Hệ thống chiết xuất sau đó hoàn thành và cho ra những mẻ tinh dầu hương thảo đầu tiên. Tạo ra sản phẩm, cặp vợ chồng trẻ mang cho người thân, bạn bè dùng thử, đồng thời gửi mẫu xuống một trung tâm ở TP Hồ Chí Minh để kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Khi có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chí, chị Châu đưa các sản phẩm lên mạng bán thử và bất ngờ được nhiều khách hàng quan tâm. Khách hàng đầu tiên đã chi 540.000 đồng mua 3 lọ nhỏ (loại 10ml) và rất hài lòng và sau này rất nhiều các đơn lẻ được phân phối ra cả nước.
"QUẢ NGỌT" BAN ĐẦU
Đến giữa năm 2018, gia đình chị Châu đã đạt được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số cơ sở du lịch ở thành phố Đà Lạt. Hiện nay, gia đình chị Châu đã mở rộng diện tích sản xuất lên 3,5ha. Trong đó 1,5ha trồng hương thảo và cây xạ hương, 2ha còn lại trồng tràm trà, sả, lavender (oải hương), ylang ylang (ngọc lan tây)…
Tinh dầu hương thảo được đựng trong các lọ nhỏ (loại 10ml) |
Cùng với việc mở rộng diện tích, cặp vợ chồng trẻ cũng được cơ quan chức năng hỗ trợ vốn nâng cấp trang thiết bị, xây dựng hệ thống chiết xuất tinh dầu hiện đại. Được biết, vợ chồng chị Châu đang sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 16 loại tinh dầu thảo dược các loại. Trong đó bao gồm tinh dầu hương thảo, lavender, sả chanh, sả java, xạ hương, bạc hà…
Trung bình, mỗi tháng, gia đình chị Châu cung cấp cho đối tác 20-30 lít tinh dầu các loại với mức giá trung bình 3 triệu đồng/lít. Đồng thời cung ứng khoảng 600kg lá hương thảo, xạ hương cho các nhà hàng, khách sạn chế biến món ăn với mức giá 70.000 đồng/kg. Với quy mô sản xuất hiện tại, gia đình chị Châu đang tạo công ăn việc làm cho 2 lao động chính thức và khoảng 10 lao động thời vụ.
Anh Nguyễn Văn Phận chia sẻ, hiện nay, sản phẩm tinh dầu các loại của gia đình đã được các đối tác tại thành phố Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang ký hợp đồng bao tiêu. Thời gian tới, cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường trong nước, gia đình anh Phận nâng cao năng lực sản xuất để trực tiếp xuất khẩu sản phẩm qua Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Gia đình chị Châu tiếp tục nhân giống thảo hương khi nhu cầu mua tinh dầu ngày một nhiều |
Bà Nguyễn Thị Hảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Nam Ban cho biết, mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu của gia đình chị Lê Thị Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để khuyến khích phát triển, thời gian qua chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ để gia đình chị Châu tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ chủ cơ sở tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Hiện nay, sản phẩm tinh dầu hương thảo của gia đình chị Châu đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Trước đó, năm 2022, với ý tưởng trồng cây hương thảo và chiết xuất tinh dầu thiên nhiên nguyên chất chị Lê Thị Châu đã đoạt giải Ba hội thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Hương thảo là cây ưa sáng, chịu úng kém, gia đình chị Châu thường lên luống, trồng với mật độ 800 cây/sào, có thể sử dụng nilon phủ mặt luống nhằm hạn chế cỏ dại. Cành hương thảo sau khi thu hoạch được đem chưng cất lấy tinh dầu. Trung bình 1 tấn hương thảo tươi chưng cất được 6 - 7 lít tinh dầu nguyên chất. Tinh dầu hương thảo có giá trị kinh tế cao trên thị trường thế giới, được dùng trong lĩnh vực y học, hương liệu, thực phẩm và mỹ phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin