Không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, trục lợi trong quá trình thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

DIỄM THƯƠNG 11:45, 20/06/2024

(LĐ online) - Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Cao tốc Liên Khương - Prenn
Cao tốc Liên Khương - Prenn

Ngày 18/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh chủ động liên hệ và đăng ký làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để sớm có ý kiến đối với nội dung kiến nghị của UBND tỉnh tại văn bản số 3814/UBND-GT ngày 14/5/2024 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4160/VPCP-KTTH ngày 14/6/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ cơ chế cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP.

Trước đó, ngày 14/6/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cơ chế cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: “Việc thẩm định và quyết định cho vay, thu hồi nợ gốc, nợ lãi của các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023) và quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, vi phạm pháp luật”.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng tại văn bản số 3814/UBND - GT để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật và chủ động phối hợp chặt chẽ, có văn bản trả lời cho UBND tỉnh Lâm Đồng theo quy định; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền phát sinh.

Được biết, đại diện Liên danh nhà đầu tư - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng đã đề nghị Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo UBND tỉnh xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung thêm ngân sách Trung ương hoặc đề xuất HĐND tỉnh cân đối ngân sách địa phương tăng khoảng 2.410 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc để đảm bảo sự phù hợp với quy định của Luật PPP, giảm thời gian hoàn vốn cho Dự án, qua đó mới thu hút được các nguồn vốn tham gia, tăng tính khả thi về phương án tài chính cho Dự án; bổ sung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo quy định tại Điều 82, Luật PPP để hài hòa lợi ích và rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND tỉnh Lâm Đồng trình Hội đồng Thẩm định liên ngành, tổng mức đầu tư Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tăng 5,35% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg, lên mức 18.120 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 36% tổng mức đầu), vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 11.620 tỷ đồng (chiếm 64% tổng mức đầu tư).

Đến cuối tháng 4/2024, Chi nhánh VDB Lâm Đồng xác nhận, đơn vị này có thể cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, với mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa bằng 70% tổng vốn đầu tư của Dự án (không bao gồm vốn lưu động) trong phạm vi giới hạn tín dụng theo quy định. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của Dự án để đảm bảo tính khả thi tài chính phải tương đương 80% tổng mức đầu tư (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước).