Con dúi, vật nuôi đã khá quen thuộc với cư dân vùng cao nguyên nhiều tre, lắm mía. Và, một trại dúi giống đang thực hiện lập "gia phả" cho dúi, giúp từng con dúi giống đều đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Chị Tuyến và con dúi mốc trưởng thành |
Trại dúi giống của chị Trần Thị Tuyến, thôn Nam Hiệp 1, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương được xây dựng giống như các trại giống khác. Trại là một ngôi nhà giản dị, thoáng mát, bên trong đặt các thùng nuôi dúi được ghép từ gạch men. Chị Tuyến bảo, nhà nuôi dúi có thể tận dụng từ bất cứ công trình xây dựng nào. Còn thùng nuôi dúi, được ghép từ các loại gạch men cũ, gạch men thải loại, gạch men không đủ chuẩn của các công trình xây dựng, được mua với giá rất rẻ. Tuy nhiên, trên các thùng nuôi, chị Tuyến đều đánh số cụ thể với mục tiêu quản lý "gia phả" để tránh trùng huyết. Chị Tuyến cho biết, con dúi cũng như các con vật nuôi khác, càng lai xa, chất lượng giống càng tốt. Vì vậy, lập "gia phả" cho bầy dúi là hoạt động rất cần thiết để đảm bảo con giống khỏe mạnh.
Vốn là cư dân đất rau Ka Đô, năm 2020, chị Tuyến quyết định nuôi thêm con dúi sau khi nhận thấy giá rau bấp bênh, người nông dân chịu nhiều vất vả. Sau khi tìm hiểu từ nhiều trại giống, từ mạng internet, chị Tuyến đã nhập dúi giống từ một trại được cấp phép. Chị bảo, chỉ từ năm cặp ban đầu, hiện tại chị đã có hai trại giống, số lượng càng ngày càng tăng do dúi sinh sản rất nhanh. Trại giống của chị có bán dúi thịt, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là dúi giống do nhu cầu nuôi của khách hàng rất lớn. Không phải dúi lai hay dúi má hồng trọng lượng lớn, dúi của trại là loại dúi mốc bản địa, con nhỏ, trọng lượng chỉ 2 kg/con nhưng ăn ít, dễ nuôi và mau lớn.
Vừa chia tre cho bầy dúi vào từng ô chuồng, chị Tuyến vừa cho biết, dúi mẹ nuôi tới tám tháng bắt đầu sinh sản. Dúi mang thai 45 ngày, đẻ xong sẽ nuôi con tiếp tục trong 45 ngày. Sau khi dúi con đủ 45 ngày là tách mẹ sống độc lập, dúi mẹ tiếp tục được phối. Bởi vậy, một năm dúi có thể đẻ 3-4 lứa, mỗi lần từ 2 tới 4 con. Một dúi mẹ có thể đẻ 8-10 con trong một năm. Cũng vì dúi sinh sản rất nhanh nên việc ghi chép kỹ càng, cụ thể từng dúi bố mẹ là rất quan trọng. Chị Tuyến đánh số từng ô, theo dõi cụ thể dúi đực, dúi cái, ngày phối, ngày sinh sản... để tránh bị giao phối trùng lặp. Chị cho biết, dúi sống trong từng ô, việc quản lý giao phối, tránh cận huyết, trùng huyết sẽ dễ dàng cho người nuôi.
“Dúi mốc ăn rất ít, chủ yếu mỗi ngày ăn một vài mảnh tre, có thể cho thêm một vài khúc mía và ít hạt bắp. Ăn ít, dễ chăm, sinh sản nhanh, lớn nhanh, vật nuôi này thật sự rất phù hợp với những gia đình nông dân đất ít cũng như ít thời gian” - chị Nguyễn Thị Tuyến nhận xét. Theo chị, nuôi dúi sạch và không mùi, không ảnh hưởng tới môi trường của cư dân xung quanh. Mỗi ngày, chị tranh thủ chặt tre xung quanh nơi sinh sống là đủ cho dúi ăn. Đồng thời chị cũng trồng thêm mía quanh nhà, mỗi chuồng dúi chỉ cần một khúc mía nhỏ là đủ dinh dưỡng cho chúng. Vì vậy, nuôi dúi tốn rất ít chi phí thức ăn. Quan trọng, chỉ cần kiểm soát vệ sinh môi trường, làm sạch thùng nuôi dúi khi lượng chất thải tăng. Với chị, chị dọn chuồng 3 lần/tuần, đảm bảo chuồng dúi luôn sạch.
“Nuôi dúi mẹ 8 tháng bắt đầu sinh sản, nó có thể đẻ liên tục trong vòng sáu năm. Sau đó mới cần thay dúi cái mới. Dúi đực thì cần thay thế liên tục, như nhà tôi là một năm thay một lần dúi đực giống để đảm bảo luôn có nguồn gien mới. Giống dúi không trùng huyết sẽ khỏe mạnh, dễ nuôi, nuôi dúi thịt hay nuôi thay cung cấp giống cho bà con đều rất hiệu quả”, chị Tuyến chia sẻ. Đồng thời, chị Tuyến luôn chú trọng tới việc phủ lưới tránh muỗi đốt dúi, khiến dúi gãi, gây bệnh viêm da cho dúi. Chị bảo, con dúi có khuôn mặt ít lông, dễ bị muỗi đốt. Khi trời vừa tắt nắng, phải phủ lưới rất cẩn thận để muỗi không tấn công dúi, giúp dúi khỏe mạnh.
Hiện tại, nhu cầu nuôi dúi rất cao. Chị Tuyến bán dúi thịt với giá 600 ngàn đồng/kg, dúi nuôi giống 4 tháng, trong lượng 500 gr/con có giá 1 triệu đồng/cặp. Dúi chuẩn bị sinh sản giá 1,8 triệu đồng/cặp. Hàng tháng, chị đều có dúi xuất chuồng, là một khoản thu đều đặn cho sinh hoạt của gia đình.
Ông Huỳnh Văn Quang - Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô, huyện Đơn Dương đánh giá, là một vùng đất chuyên canh tác cây dâu thương phẩm nhưng thời gian gần đây, nông dân Ka Đô cũng đã có nhiều thay đổi trong sản xuất. Bà con đã chọn thêm những cây trồng, vật nuôi hiệu quả để làm phong phú cho sản xuất nông nghiệp. Mô hình nuôi dúi của gia đình chị Trần Thị Tuyến cũng là một mô hình thành công của nông dân Ka Đô, giúp bà con có thêm nhiều sự chọn lựa để nâng cao thu nhập gia đình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin