Nâng cao uy tín thương hiệu rau an toàn Đà Lạt

VĂN VIỆT 06:32, 28/06/2024

Để nâng cao uy tín thương hiệu rau an toàn Đà Lạt cần phát triển các vùng sản xuất tập trung với quy mô và cơ cấu chủng loại phù hợp, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ ở thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu. 

Đến năm 2030, TP Đà Lạt đạt tỷ lệ truy xuất 100% nguồn gốc sản phẩm rau an toàn 
tại các vùng sản xuất tập trung
Đến năm 2030, TP Đà Lạt đạt tỷ lệ truy xuất 100% nguồn gốc sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung

SẢN XUẤT CÂY GIỐNG CẤY MÔ GIÁ TRỊ CAO

Mục tiêu đến năm 2030, TP Đà Lạt đạt tổng diện tích canh tác rau an toàn đạt khoảng 3.200 ha, sản lượng gần 408.183,8 tấn. Trong đó trên 70% diện tích đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về nông sản an toàn. Phân bổ các diện tích sản xuất tương ứng với sản lượng rau ăn lá (4.340 ha, hơn 110.758 tấn); rau ăn quả (663 ha, hơn 571 tấn); rau ăn củ, rễ, thân (4.600 ha, hơn 29.598 tấn); rau họ đậu (134 ha, 24 tấn); rau khác (42 ha, gần 780 tấn). Riêng diện tích sản xuất rau an toàn tập trung 2.600 ha tại các Phường 7, 8, 11, xã Xuân Thọ. Tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến trên 95%; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm dưới 5%; bảo đảm truy xuất nguồn gốc 100% sản phẩm rau, củ, quả tại các vùng sản xuất rau tập trung. 

Những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, trước hết TP Đà Lạt ổn định diện tích canh tác tại Phường 3, 4, 8, 9, chuyển đổi diện tích cây công nghiệp kém hiệu quả sang canh tác rau an toàn gắn sơ chế, chế biến và liên kết phát triển thị trường. Đồng thời, nâng cao năng lực của cơ sở sản xuất, gieo ươm cây giống cấy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; lựa chọn nhập khẩu, mua bản quyền 15 - 20 giống rau mới năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Qua đó phát triển ít nhất 150 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 10 sản phẩm OCOP quốc gia; xây dựng trung tâm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

Tiếp theo với nhiệm vụ phối hợp xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng, an toàn thực phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp như QR code, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống logistics các dịch vụ đóng gói, lưu kho, thủ tục hải quan, vận chuyển, giao hàng, cung ứng lạnh; hình thành trung tâm sau thu hoạch, đồng bộ các khâu sơ chế, chế biến, đóng gói, lưu kho, phân phối, vận chuyển và các dịch vụ hậu cần phục vụ tiêu thụ nông sản của địa phương.

• THƯƠNG HIỆU GẮN VỚI VÙNG TRỒNG VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

TP Đà Lạt cũng tiếp tục phát triển các nhãn hiệu chứng nhận nông sản đã được tạo lập, đặc biệt nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” để trở thành một thương hiệu mạnh của cả nước; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xây dựng và bảo hộ thương hiệu; thực hiện tốt hậu kiểm sản phẩm tuân thủ các quy định, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ uy tín của thương hiệu Đà Lạt. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình xây dựng thương hiệu gắn với một số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn uy tín, kinh nghiệm và năng lực đầu tư nhà máy chế biến rau, củ, quả; đa dạng hóa kênh phân phối, hình thành sàn giao dịch, chợ đầu mối; kết nối cung cầu, triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. 

Một trong những nhóm giải pháp phối hợp được TP Đà Lạt xác định đầu tư nghiên cứu, lai tạo, nuôi cấy giống tốt nhất, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhập nội, khảo nghiệm giống mới phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng rau thương phẩm an toàn. Ở giai đoạn canh tác, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ; quản lý sinh vật hại bằng biện pháp sinh học, thảo mộc, vật lý; nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. 

 Thông qua các ứng dụng blockchain, bigdata để xây dựng chuỗi công nghệ số từ khâu quản lý đến quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chí “doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm, nông dân là chủ thể sản xuất hàng hóa” trên địa bàn.