Tăng vượt trội lợi nhuận từ “3 cây liên kết”

VĂN VIỆT 06:17, 14/06/2024

Sản xuất 3 cây ớt chuông, dưa leo và cà chua theo chuỗi liên kết ở huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương, người sản xuất đã tăng lợi nhuận vượt trội so với loại rau ăn lá khác trên cùng đơn vị diện tích. Chủ trì chuỗi liên kết này là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. 

Liên kết sản xuất ớt chuông gắn với tiêu thụ theo hợp đồng, nông hộ thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, đạt lãi 200-250 triệu đồng/1.000 m2/năm
Liên kết sản xuất ớt chuông gắn với tiêu thụ theo hợp đồng, nông hộ thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, đạt lãi 200-250 triệu đồng/1.000 m2/năm

Một ngày đầu tháng 6 vừa qua, phóng viên đến nhà xưởng sơ chế, đóng gói nông sản tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, ghi nhận sản lượng thu hoạch 3 loại ớt chuông, dưa leo và cà chua theo hợp đồng tiêu thụ đến hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu. Ông Lê Văn Ba - Giám đốc Hợp tác xã ước tính sản lượng mỗi ngày thu hoạch, vận chuyển tập trung về nhà xưởng sơ chế, đóng gói khoảng 2 tấn. Trong đó chiếm tỷ lệ 50% ớt chuông, 30% cà chua và 20% dưa leo. Tổng sản lượng này thu hoạch trên tổng diện tích hơn 10 ha nhà kính công nghệ cao, sản xuất liên kết theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 12 nông hộ thành viên ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng và 5 nông hộ thành viên ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Tất cả đều sản xuất chuyên canh quanh năm, thời vụ 4 tháng, 8 tháng và 12 tháng lần lượt đối với dưa leo, cà chua và ớt chuông. Thời gian làm đất sau thu hoạch 3 loại cây trồng này khoảng 30 ngày trước khi xuống giống trồng vụ mới. 

“Sản xuất 3 loại cây ớt chuông, dưa leo và cà chua liên kết giữa hợp tác xã chúng tôi với nông hộ đều theo kế hoạch và quy trình khép kín. Toàn bộ nguồn giống đều gieo ươm tự động công nghệ cao tại vườn ươm của hợp tác xã trước khi đưa ra trồng, chăm sóc trong nhà kính theo quy trình chất lượng an toàn tiêu chuẩn VietGAP. Từng diện tích của nông hộ được sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, Giám đốc Hợp tác xã Lê Văn Ba cho hay.   

Theo đó với tổng diện tích vườn ươm nhà kính khoảng 4.000 m2, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú mỗi năm xuất vườn bán khoảng 1 tỷ cây giống rau các loại, trong đó chiếm khoảng 5% cây giống ớt chuông, cà chua và dưa leo cung cấp cho nông hộ trong và ngoài thành viên sản xuất theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn của hợp tác xã đạt năng suất cao và chất lượng toàn cầu; khi thu hoạch được hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản lượng theo hợp đồng. Kết quả đến nay, nông hộ sử dụng 3 loại giống cây ớt chuông, dưa leo và cà chua của hợp tác xã ổn định sản lượng mỗi năm trên đơn vị 1 ha lập đỉnh đến 400 tấn cà chua, 300 tấn dưa leo và 200 tấn ớt chuông. 

Bên cạnh 10 ha của nông hộ thành viên liên kết, hợp tác xã còn cung cấp giống 3 loại cây này cho 50 ha của nông hộ ngoài thành viên kết hợp với chuyển giao kỹ thuật, đạt năng suất hàng năm tương đương trên 1ha mỗi năm sản xuất liên kết vừa nêu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng ớt chuông, dưa leo và cà chua của nông hộ ngoài liên kết bước đầu chiếm trung bình 30% đáp ứng yêu cầu thu mua ngoài hợp đồng của hợp tác xã để cung ứng cho hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu sang Singapore. Còn lại 70% sản lượng được nông hộ bán cho thương nhân trong và ngoài địa phương theo giá thị trường từng thời điểm.  

Giám đốc Lê Văn Ba chia sẻ kinh nghiệm sản xuất 3 cây liên kết ớt chuông, dưa leo và cà chua đều canh tác trên giá thể xơ dừa, tưới tự động nhỏ giọt kết hợp châm phân cân đối theo từng thời kỳ sinh trưởng của từng loại cây. Việc phòng trừ bệnh hại bằng các chế phẩm sinh học bơm phun giai đoạn đầu xuống giống trồng và giai đoạn cuối thời vụ. Thời gian cách ly chế phẩm sinh học khoảng 20 ngày trước khi thu hoạch… 

Hạch toán tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú vào thời điểm tháng 6/2024 cho thấy, trên diện tích 1.000 m2 đất nông nghiệp huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương mỗi năm thu hoạch riêng ớt chuông khoảng 20 tấn, nhân với giá 27.000 đồng/kg, thành doanh thu 540 triệu đồng. Trừ mọi chi phí giống, phân bón, chế phẩm sinh học, vật tư giá thể, dây leo, khấu hao nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, công lao động..., còn lại đạt lợi nhuận khoảng 200-250 triệu đồng/1.000 m2/năm. So sánh tăng gấp 7-10 lợi nhuận đối với trồng các loại rau ăn lá ngoài trời trên cùng đơn vị diện tích trên địa bàn 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương nói trên. 

Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú tiếp tục mở rộng thêm khoảng 3 ha diện tích liên kết sản xuất ớt chuông, dưa leo và cà chua trên cơ sở sản lượng đầu ra đã được ký kết theo hợp đồng. Những nông hộ thành viên khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, hợp tác xã trích quỹ hỗ trợ không tính lãi suất, sau đó trừ dần vào sản lượng thu hoạch theo từng thời vụ…