Trợ sức cho hội viên nông dân phát triển kinh tế

TRỊNH CHU 06:18, 20/06/2024

Tín chấp với ngân hàng, tạo điều kiện để hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh việc tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các nông hộ - hoạt động này của Hội Nông dân huyện Bảo Lâm đã giúp hội viên nông dân vừa có vốn vừa có kiến thức, từng bước làm thay đổi thói quen canh tác, thúc đẩy nông hộ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Mô hình Trồng rau khí canh tại xã Lộc Nam
Mô hình Trồng rau khí canh tại xã Lộc Nam

Ông Lê Hùng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm, cho hay: “Tính từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân huyện Bảo Lâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được hơn 230 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hội nghị hỗ trợ vốn vay cho gần 27.150 lượt nông dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Bảo Lâm còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 34 cuộc hội thảo cho 2.713 lượt hội viên nông dân tham gia, tìm hiểu về cách sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, cũng như các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi”. Theo ông Lê Hùng Anh, qua các lớp tập huấn và hội thảo đó, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã biết tận dụng thế mạnh về thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. 

Nổi lên trong số này, phải kể đến ông Đào Khắc Tuấn - một nông dân sản xuất giỏi ở thị trấn Lộc Thắng. Ông Tuấn đang sở hữu 6,5 ha đất canh tác. Trong đó, 3 ha trồng cà phê và 3,5 ha trồng các loại cây ăn trái. Vườn cà phê và vườn cây ăn trái mỗi năm mang lại cho ông Tuấn doanh thu trên 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động địa phương, với thu nhập 9 - 12 triệu đồng/người/tháng. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác cũng đã giúp hộ ông Điểu Hòa - một nông dân tiêu biểu của xã Lộc Lâm, cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng nông sản. Ông Điểu Hòa cho biết: “Hiện, gia đình tôi có 9,4 ha đất canh tác. Cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, bên cạnh cây ăn quả trồng xen. Thu nhập từ các loại cây trồng của gia đình tôi mỗi năm khoảng 1,4 tỷ đồng”. Tương tự, gia đình bà Đỗ Thị Tám - một nông dân ở xã Tân Lạc, cũng trở nên khá giả nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác 2,3 ha sầu riêng, kết hợp trồng xen bơ. Bà Tám tâm sự: “Doanh thu của gia đình tôi mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 lao động địa phương, với thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm Lê Hùng Anh, những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện đã làm tốt vai trò cầu nối giữa hội viên nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện tại, Hội Nông dân huyện Bảo Lâm đang quản lý 83 tổ tiết kiệm vay vốn, với tổng dư nợ 169 tỷ đồng cho 4.094 hộ vay vốn từ 13 chương trình vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Hội còn thực hiện 43 dự án cho các hộ nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Trong đó, 600 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương và 4,4 tỷ đồng từ nguồn vốn tỉnh, hơn 5 tỷ đồng từ nguồn vốn huyện Bảo Lâm. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, nông dân huyện Bảo Lâm có thêm điều kiện tài chính để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. “Về giải pháp trong thời gian tới, chúng tôi xác định, phải tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân nhận thức được rằng, con đường tất yếu nông dân phải đi đó là liên kết, hợp tác, từ quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, nông sản mới tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nông dân mới chủ động được năng suất, chất lượng nông sản”, ông Lê Hùng Anh cho biết thêm.