Lâm Đồng đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37, ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Nhờ đó, quyền lợi của người lao động (NLĐ) được bảo đảm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn không ngừng nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thăm, kiểm tra tình hình sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phú Hội đầu năm 2024 |
Tính đến ngày 31/3/2024, trên địa bàn tỉnh hiện có 13.858 doanh nghiệp đang hoạt động (không bao gồm hộ kinh doanh cá thể), gồm 12 doanh nghiệp nhà nước (thuộc sở hữu của tỉnh), 13.747 doanh nghiệp dân doanh và 99 doanh nghiệp FDI. Trong đó, có 402 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng quản lý); có 7 công đoàn cơ sở doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp; 192 công đoàn cơ sở thuộc các ngành nghề, địa bàn còn lại trong tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 37, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã sớm ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 37 và Quyết định số 416 của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đến cơ sở, doanh nghiệp.
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về quan hệ lao động được đẩy mạnh, tạo bước chuyển biến tích cực trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động về ý thức tôn trọng pháp luật, góp phần quan trọng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật lao động được thực hiện nghiêm túc, vì vậy đã phát hiện được nhiều sai sót, qua đó đã hạn chế được các hành vi vi phạm pháp luật lao động của các doanh nghiệp.
Công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 37 và Quyết định số 416 bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp. Số lượng và chất lượng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương và hợp đồng lao động được tăng lên. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy định. Việc chăm lo đời sống cho người lao động được thể hiện rõ nét thông qua Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn”, hoạt động “Tháng công nhân”, “Tết Sum vầy”... Qua đó, xây dựng được niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn, nhiệm vụ công đoàn chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động ngày càng hiệu quả đã góp phần thiết thực trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, đã hạn chế được tranh chấp lao động tập thể.
Hoạt động công đoàn đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới, sáng tạo mang lại những kết quả nhất định. Chất lượng thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, đối thoại tại nơi làm việc đã được nâng cao, nhiều bản thỏa ước có nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động với quy định pháp luật; có 100% doanh nghiệp nhà nước và 87,8% doanh hiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 100% doanh nghiệp nhà nước và 97,3% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động.
Từ năm 2019 đến nay, tình hình quan hệ lao động ở các doanh nghiệp - địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng lãn công, đình công tập thể. Công đoàn các cấp kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đề xuất với chủ doanh nghiệp để giải quyết những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động; động viên người lao động chia sẻ với những khó khăn, hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ở những doanh nghiệp có vướng mắc về quan hệ lao động, công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động gặp gỡ, trao đổi lấy ý kiến hai bên, tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tìm giải pháp phù hợp để ổn định tình hình, đảm bảo quyền, lợi ích cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, công đoàn trong tỉnh cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát tại đơn vị, doanh nghiệp việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động nhằm kịp phát hiện, kiến nghị giải quyết những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, Bảo hiểm xã hội. Những nội dung công đoàn các cấp đã kiến nghị người sử dụng lao động khắc phục như: Không giao hợp đồng lao động, không xây dựng thang, bảng lương, không thực hiện chế độ nâng bậc lương theo quy định; chậm thanh toán tiền lương cho người lao động; không thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn trong sản xuất, thi công công trình, chậm đóng, nợ đóng kéo dài, chậm thanh toán các chế độ trợ cấp người lao động; chưa thực hiện đúng quy định về đối thoại tại nơi làm việc; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể...
Vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế, nhưng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian qua, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và NLĐ về quan hệ lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều DN đã quan tâm hơn đến việc cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở, công trình phúc lợi cho công nhân khu công nghiệp... cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Qua đó, tạo nền tảng để xây dựng quan hệ lao động trong các DN ngày càng hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin