Thời gian qua, công tác dân tộc và công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được các cấp, chính quyền huyện Đạ Tẻh quan tâm thực hiện, nhất là các chế độ chính sách dân tộc đối với vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, huyện Đạ Tẻh đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, đời sống của người DTTS ở Tôn K'Long, xã Đạ Pal ngày càng khấm khá rõ rệt |
Huyện Đạ Tẻh nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 526,7 km2; có 8 xã và 1 thị trấn, 77 thôn, tổ dân phố; đến cuối năm 2023, có 12.873 hộ/53.110 khẩu, có 13 DTTS anh em cùng sinh sống; riêng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên có 1.034 hộ/3.869 khẩu, chiếm 7,3 % dân số toàn huyện, hiện đang sinh sống tại các thôn, tổ dân phố thuộc các xã Đạ Pal, An Nhơn, Mỹ Đức, Quốc Oai và thị trấn Đạ Tẻh. Có 4 xã thuộc vùng DTTS và miền núi; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chung đến cuối năm 2023 còn 1,55%; cận nghèo 2,77%; riêng tỷ lệ hộ nghèo DTTS gốc Tây Nguyên còn 2,03%, cận nghèo 4,84%.
Đồng chí Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, từ đó đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, từ đó đời sống bà con được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm.
Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi và từ ngân sách địa phương, huyện Đạ Tẻh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trong vùng DTTS; trong đó, tập trung vào các nội dung như: đường giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng…
Đặc biệt về giao thông, huyện Đạ Tẻh đã đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 21,85 km đường giao thông, sửa chữa và xây mới 4 cây cầu với tổng mức đầu tư 119.03 triệu đồng. Một số dự án quan trọng, quy mô lớn được huyện ưu tiên đầu tư như: nâng cấp, mở rộng đường từ ĐT 725 vào thôn Đạ Nhar lên khu sản xuất cao su tập trung xã Quốc Oai; hoàn thiện dự án định canh định cư thôn Con Ó, xã Mỹ Đức, dự án ổn định vùng dân cư đặc biệt khó khăn Tôn K’Long, xã Đạ Pal, đường vào khu sản xuất thôn Tố Lan, xã An Nhơn…
Bên cạnh đó, các chương trình, dự án được huyện Đạ Tẻh triển khai đầu tư, hỗ trợ như: chương trình trồng cao su tập trung tại xã Mỹ Đức 65 ha, xã Quốc Oai 120 ha; mở 2 lớp dạy nghề khai thác mủ cao su cho 120 hộ là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên; chương trình trồng và chế biến tre tầm vông tại thôn Tố Lan, xã An Nhơn với diện tích trên 50 ha; chương trình trồng và chăm sóc bơ, mắc ca tại thôn Tôn Klong - xã Đạ Pal với tổng diện tích đạt 28,6 ha; Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai với diện tích 5,3 ha. Các chương trình, dự án trên đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo tại địa phương.
Ngoài ra, công tác thông tin - giáo dục - truyền thông tại các vùng đồng bào DTTS được xem là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người dân đối với việc chăm sóc và nâng cao sức khoẻ. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với thanh niên người đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Hàng năm, UBND huyện đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, có con em là đồng bào DTTS. Tính đến tháng 5/2024, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 107 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đang công tác tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND các xã, thị trấn thuộc huyện; trong đó, tại các cơ quan chuyên môn có 2 người, các đơn vị sự nghiệp công lập có 89 người và tại UBND các xã, thị trấn có 16 người.
Mặt khác, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của các DTTS luôn được quan tâm, hàng năm, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND huyện Đạ Tẻh còn chỉ đạo duy trì các hoạt động văn hóa, lễ hội mang tính truyền thống, duy trì các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc; các loại hình văn hóa dân gian trong các hội thi, hội diễn;... khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở xã An Nhơn, các nghi thức cúng mừng lúa mới của người Mạ ở xã An Nhơn, Quốc Oai, Đạ Pal, Mỹ Đức và thị trấn Đạ Tẻh.
Trong thời gian tới, UBND huyện Đạ Tẻh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương, khu vực, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân vùng DTTS so với bình quân chung của huyện. Đồng thời, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và phát huy lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng DTTS; nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước - đồng chí Tống Giang Nam cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin