Biến phụ phẩm thành phân hữu cơ

VĂN VIỆT 06:33, 24/07/2024

Trong 3 tháng vừa qua, Hội Nông dân TP Đà Lạt xây dựng Mô hình “Thu gom, xử lý rác rau, hoa làm phân bón hữu cơ sinh học” trên các vùng nông nghiệp trọng điểm, mang lại “lợi ích kép” về hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Mô hình thu gom phụ phẩm rau, hoa ủ thành phân hữu cơ tại các khu vực sản xuất 
tập trung của thành phố Đà Lạt
Mô hình thu gom phụ phẩm rau, hoa ủ thành phân hữu cơ tại các khu vực sản xuất tập trung của thành phố Đà Lạt

Qua kết quả lựa chọn từ tổ chức Hội Nông dân cơ sở, Hội Nông dân TP Đà Lạt triển khai một trong những mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp đầu tiên tại khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung tại Phường 9, tổng diện tích 3.000 m2. Theo đó, nông hộ này chuyên canh trồng dâu tây chất lượng cao đã hơn 5 năm qua, hàng tháng cắt bỏ hàng trăm ký lá dâu dồn vào một góc vườn để tự hủy. Đến gần nửa năm sau đó, nông hộ thu về một khối lượng phân xanh không nhỏ, nhưng thực chất hàm lượng dinh dưỡng cho cây trồng rất ít, trong khi đó mầm bệnh hại cây trồng chưa triệt tiêu hết, môi trường xung quanh vẫn ảnh hưởng. Để khắc phục tình trạng này, mô hình triển khai thu gom các phụ phẩm khác từ cây dâu trong 3 tháng vừa qua trên 3.000 m2 diện tích của nông hộ ở Phường 9 vừa nêu, chất lên thành 3 m3 tại một địa điểm phù hợp bên khu vườn để ủ với chế phẩm vi sinh và mật rỉ đường, dự kiến trong 75 ngày tiếp theo sẽ hoai mục trở thành phân hữu cơ sử dụng tại chỗ cho vườn cây.

Tương tự trên diện tích 2.000 m2 chuyên canh hoa cúc của một nông hộ ở Phường 8, Hội Nông dân TP Đà Lạt đã chọn một địa điểm đảm bảo an toàn môi trường để tập kết toàn bộ khối lượng gốc, thân, lá, hoa thải ra sau thu hoạch ủ thành phân hữu cơ. Ước tính trung bình thời vụ khoảng 3 tháng, khối lượng phụ phẩm trên diện tích 2.000 m2 này thu gom khoảng 3 m3 phủ bạt, ủ với mật rỉ đường trong 90 ngày thành phân hữu cơ. Hoặc tại khu vực An Sơn, Phường 4, Hội Nông dân TP Đà Lạt triển khai trên 3.000 m2 mô hình luân canh các loại rau ngoài trời, mỗi lứa rau 3 tháng thu gom tổng khối lượng phụ phẩm khoảng 1.500 kg, đạt tỷ lệ gần 100% xử lý thành phân hữu cơ...

Ông Nguyễn Đức Công - Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt cho biết, quy trình thu gom phụ phẩm nông nghiệp ủ thành phân hữu cơ trên địa bàn dựa theo tài liệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai “Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Cụ thể, Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn nông hộ thực hành mô hình 8 bước: chuẩn bị địa điểm; thu gom phụ phẩm cây trồng; chuẩn bị dung dịch chế phẩm sinh học; chuẩn bị ống thông khí vào đống ủ; xếp lớp phụ phẩm cây trồng thành đống và tưới chế phẩm sinh học; che phủ đống ủ; kiểm tra độ ẩm ủ hàng tuần; thu hoạch phân ủ đã hoai mục. Trong đó, tỷ lệ 250 g chế phẩm sinh học dùng với 0,5 lít rỉ mật và 25 lít nước. Chất đống các phụ phẩm cây trồng thành từng lớp 25 - 30 cm, mỗi lớp cao ngang chiếc ủng. Sau mỗi lớp, tưới dung dịch chế phẩm sinh học. Trong khi xếp lớp, chèn cọc tre đục lỗ đường kính khoảng 5 cm, chiều dài 6 - 8 m. Chất phụ phẩm thành đống giàn ngang đều, bề mặt phẳng để nước dễ dàng thấm xuống khi tưới. Che phủ đống ủ đã chèn cọc tre bằng bạt hoặc nilon để tránh nước mưa. Không cần che phủ quá kín để đảm bảo không khí có thể lưu thông. Kiểm tra độ ẩm hàng tuần, nếu luống ủ quá khô, hãy thêm một ít nước. Sau khoảng 2,5 tháng, nếu phân ủ có màu nâu đen hoàn toàn tơi xốp thì đã sẵn sàng để sử dụng… 

Đến nay, sau 3 tháng triển khai (từ tháng 4 đến tháng 7/2024), tổ chức Hội Nông dân từ cấp phường, xã đến cấp TP Đà Lạt đã hướng dẫn 73/135 nông hộ, mỗi nông hộ thu gom phụ phẩm cây trồng trên diện tích từ 1.000 m2 đến 3.000 m2 để ủ thành phân hữu cơ. Còn lại 62 nông hộ được chọn tiếp tục xây dựng mô hình hoàn thành từ nay đến cuối năm 2024. 

“Mục tiêu đến hết năm 2024, tổ chức Hội Nông dân thành phố và phường, xã xử lý tại chỗ khoảng 65 tấn rác thải nông nghiệp hữu cơ, tương ứng giảm hơn 30% lượng phân bón hóa học sử dụng hàng năm của 135 nông hộ thực hành mô hình. Đặc biệt, tại mỗi mô hình triển khai, tổ chức Hội Nông dân thành phố và các phường, xã mời 5 hội viên, nông dân tham gia trao đổi, nắm bắt quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại khu vực sản xuất là việc làm quan trọng, cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong canh tác cây trồng. Qua đó, nông hộ tiếp cận kỹ thuật xử lý mới phụ phẩm nông nghiệp bằng cách ủ thành phân bón hữu cơ để tiếp tục chuyển giao nhân rộng mô hình...”, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt Nguyễn Đức Công thông tin.