Qua quá trình triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với nhiều mặt thuận lợi, các HTX nông nghiệp đang từng bước được củng cố và phát triển bền vững, trở thành cầu nối phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, đáp ứng nhu cầu thị trường.
HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đã và đang làm cầu nối tiêu thụ rau, củ, quả của nông dân đến hệ thống siêu thị trong nước |
Toàn tỉnh đến nay có 4 Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 25 HTX thành viên. Phân loại có 2 Liên hiệp HTX hoạt động trung bình; 1 Liên hiệp HTX đã củng cố nhân sự, xây dựng phương án kinh doanh và 1 Liên hiệp HTX mới thành lập. Toàn tỉnh cũng có 425 HTX nông nghiệp với 8.818 thành viên, tăng 33 HTX so với năm 2022. Tổng vốn điều lệ hơn 502 tỷ đồng, tăng gần 23 tỷ đồng so với năm 2022. Cụ thể gồm 235 HTX trồng trọt; 17 HTX chăn nuôi; 5 HTX nuôi trồng thủy sản; 1 HTX nước sạch nông thôn và 167 HTX tổng hợp. Bình quân doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân khoảng 72 - 75 triệu đồng/lao động/năm. Riêng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao có 70 HTX, quy mô trồng trọt gần 797 ha, chăn nuôi heo quy mô chuồng trại 6 ha. Tỷ lệ HTX được xếp loại khá, tốt gần 33,7%.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hoạt động chủ lực của các HTX nông nghiệp với dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào phần lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, giống cây trồng, vật nuôi, giá thành rẻ hơn so với thị trường. Hoạt động dịch vụ đầu ra chủ yếu bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả cho các thành viên, nhiều HTX doanh thu từ 10 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, nhiều HTX nông nghiệp đã tổ chức dịch vụ tư vấn, tập hợp thành viên ký kết hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với doanh nghiệp. Tiêu biểu các HTX Phước Cát, Trung Thành, Tân Hưng Phát ở 3 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai tổ chức tốt dịch vụ cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm cho nông hộ trong và ngoài thành viên; HTX chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương cung cấp thức ăn chăn nuôi với giá cả ổn định cho 80 thành viên…
“Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đổi mới mô hình hoạt động, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiếp cận với những thành tựu mới trên lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Nhiều HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc chế biến các sản phẩm tinh dầu bơ, sachi, mắc ca, rau, củ, quả sấy khô, hồng treo gió, trà dược liệu các loại. Đặc biệt, một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, nên có doanh thu hàng năm khá cao, khẳng định được vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp...”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá. Kết quả nhiều HTX nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh đã vươn lên làm giàu, hỗ trợ thành viên nâng cao thu nhập thông qua việc chuyển đổi giống cây trồng, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín và xuất khẩu nông sản sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, mặc dù số lượng HTX nông nghiệp phát triển nhanh, nhưng về chất lượng còn hạn chế, số lượng thành viên ít, vốn điều lệ thấp; việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; diện tích đất đai để mở rộng quy mô nhà xưởng, hạng mục công trình còn khó khăn. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa của các hộ thành viên; các loại hình dịch vụ cung ứng còn đơn lẻ, chưa thu hút nhiều nông hộ tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Với tiêu chí “doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm, nông dân là chủ thể” trong phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục triển khai các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế tập thể để hình thành lực lượng nòng cốt mở rộng mô hình liên kết chuỗi.
Qua đó đến cuối năm 2024, toàn tỉnh phát triển thêm 20 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; nâng tổng số 253 chuỗi với trên 33.000 hộ tham gia. Trong đó lĩnh vực trồng trọt với diện tích liên kết 54.000 ha, sản lượng trên 570.000 tấn; lĩnh vực chăn nuôi với tổng đàn vật nuôi trong chuỗi đạt 1,1 triệu con, tổng sản phẩm trên 170.000 tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh thành lập mới ít nhất 20 HTX nông nghiệp, nâng tổng số 445 HTX nông nghiệp toàn tỉnh, trong đó đạt tỷ lệ hơn 50% HTX xếp loại hoạt động khá, tốt...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin