Chương trình hợp tác quốc tế liên kết vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên với Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghệ Khối thịnh vượng chung Australia

TS PHẠM S 17:32, 16/07/2024

(LĐ online) - Chương trình Aus4Innovation (A4I) là một chương trình phát triển song phương giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam, được thực hiện thông qua quan hệ đối tác giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST), và Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tiếp xã giao Quyền Phó Đại sứ Australia, ông Daniel James Ross tại UBND tỉnh Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tiếp xã giao Quyền Phó Đại sứ Australia, ông Daniel James Ross tại UBND tỉnh Lâm Đồng

Tầm nhìn chung của chương trình là “Xây dựng hệ thống tăng cường đổi mới sáng tạo, giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế và đạt các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs”. Mục tiêu cụ thể chương trình là xây dựng mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Australia nhằm tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong các ngành khoa học và công nghệ, hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế và chuẩn bị cho Việt Nam 2035.

Trên cơ sở chương trình hợp tác song phương, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và lợi ích chung được xây dựng thông qua các cuộc thảo luận, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đồng ý ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên với các mục tiêu cụ thể:

1. Mở rộng và tăng cường sự gắn kết và hợp tác trong toàn ngành để cho phép tiếp cận thông tin mới, chia sẻ kiến thức và những đổi mới tiềm năng trong ngành cà phê.

 2. Tạo điều kiện cho việc xây dựng các ý tưởng mới và hợp tác nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của chuỗi giá trị cà phê ở Tây Nguyên.

 3. Hỗ trợ các cơ hội thương mại hóa khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ để giúp giải quyết các thách thức của ngành.

 4. Cung cấp nền tảng giúp định hướng tốc độ đổi mới cho ngành cà phê.

 5. Góp phần quảng bá và phát triển thương hiệu khu vực.

 6. Hỗ trợ phổ biến chính sách đổi mới sáng tạo của 5 tỉnh Tây Nguyên tới cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân và các chủ thể liên quan trong chuỗi giá trị trọng điểm của vùng gồm cà phê, hồ tiêu và trái cây.

Chương trình hợp tác được ký tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 10/6/2022. Qua 2 năm triển khai Thỏa thuận, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực tham gia Diễn đàn với vai trò thành viên, đã tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động của Diễn đàn theo quy định của pháp luật Việt Nam; hỗ trợ các nguồn lực phù hợp trong quá trình triển khai các hoạt động của Diễn đàn; lồng ghép các hoạt động phù hợp của Diễn đàn vào các chương trình, kế hoạch của tỉnh để tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có.

Diễn đàn đã tổ chức hội thảo “Giải pháp nào cho pháp phát triển cây bơ ở Tây Nguyên” do Ban Quản lý Diễn đàn tổ chức vào tháng 8/2023 tại tỉnh Đắk Nông. Hội thảo đã thảo luận những khó khăn, thách thức đối với ngành bơ, giải pháp phát triển cây bơ bền vững ở khu vực Tây Nguyên, cũng như những cơ hội mang lại giá trị kinh tế cho người dân, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn. Hội thảo cũng đã xác định được 3 nhóm giải pháp cần tập trung cho việc phát triển ngành hàng bơ ở Tây Nguyên chính là: Tổ chức lại sản xuất, công nghệ chế biến và đa dạng hoá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Tại hội thảo của Ban chuyên trách ngành hàng cà phê - Định hướng hoạt động tổ chức vào tháng 5/2024 tại tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh đã tham gia hội thảo với các nhà khoa học đến từ Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Đà Lạt; tham gia báo cáo chuyên đề “Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản xuất, chế biến cà phê” nhằm cung cấp các giải pháp quan trọng trong việc xác định nguồn gốc cà phê, giúp đảm bảo các sản phẩm cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và bền vững.

Du khách tham quan mô hình du lịch canh nôn Bơ LĐ 034 ở trang trại kiểu mẫu Avocado Farm tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
Du khách tham quan mô hình du lịch canh nông Bơ LĐ 034 ở trang trại kiểu mẫu Avocado Farm tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng

Sáng ngày 11/7/2024, tại thành phố Đà Lạt, Ban Quản lý Diễn đàn đổi mới sáng tạo tổ chức hội thảo về “ Lộ trình thích ứng  trong quản lý hạn hán và nước” có sự tham qua của các sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tỉnh Tây Nguyên cùng với một số trường đại học ở khu vực Tây Nguyên. Chiều ngày 11/7/2024, Ban Quản lý Diễn đàn đổi mới sáng tạo đã tổ chức cuộc họp tại Lâm Đồng đã đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua. Có thể nói, các hội thảo do Ban Quản lý Diễn đàn tổ chức thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự kết nối và tương tác giữa các bên liên quan, có 100 đại biểu tham gia tham quan trang trại mẫu ở tỉnh Lâm Đồng; đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 300 người, có 20 sáng kiến được áp dụng thực tiễn; có thể nói thông qua các hoạt động của diễn đàn là cơ hội rất tốt để mọi người học hỏi, trao đổi thông tin và lồng ghép vào đó các kế hoạch công tác liên quan để tận dụng tối đa những hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ phía Australia cũng như các nguồn lực sẵn có khác.

Đồng thời cũng xác định các ưu tiên chiến lược của các tỉnh Tây Nguyên cũng như kế hoạch ngắn hạn, thực hiện của Ban Quản lý Diễn đàn và các tỉnh Tây nguyên giai đoạn tới từ tháng 8/2024 đến tháng 3/2025.

Trong tầm nhìn ngắn hạn, Ban chỉ đạo thống nhất triển khai 5 nội dung bao gồm: (1) Hỗ trợ kết nối các trang trại trái cây và rau quả ở Australia để hỗ trợ Đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai tại tiểu bang Queesland & New South Wales - Australia; (2). Hội thảo chuyên gia về chế biến thực phẩm của Australia về đổi mới sáng tạo để hỗ trợ gia tăng giá trị ngành trái cây thông qua chế biến; (3).Hội thảo với thị trường carbon  có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Australia cho ngành cà phê ở Đắk Lắk; (4). Thành lập CLB đổi mới sáng tạo cho ngành rau quả (do WASI chủ trì) và các chuyên gia khác hỗ trợ ngành trái cây phát triển đối với các tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp bền vững (Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum); (5). Đề xuất cuộc họp tiếp theo về quan hệ đối tác đổi mới tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2025; (6). Hội thảo về  hệ thống chứng nhận và truy xuất nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn mang tình toàn cầu.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng xác định, đây là dự án chương trình hợp tác quốc tế, do đó cần có những sản phẩm cụ thể tại các tỉnh để có tính lan toả lâu dài, chứ không chỉ vấn đề nâng cao năng lực; những vấn đề nào mà các địa phương đã chủ động thì dự án không nhất thiết tác động mà cần xây dựng kế hoạch dài hạn có sản phẩm tương ứng với tiềm năng của vùng Tây Nguyên và đúng tầm chương trình hợp tác quốc tế.

Quang cảnh cuộc họp Diễn đàn Đổi mới sáng tạo vào ngày 11/7/2024 tại UBND tỉnh Lâm Đồng
Quang cảnh cuộc họp Diễn đàn Đổi mới sáng tạo vào ngày 11/7/2024 tại UBND tỉnh Lâm Đồng

Hội thảo thảo luận và thống nhất, mặc dù các tỉnh Tây Nguyên có đặc trưng chung, tuy nhiên cuối năm 2024 Ban Quản lý Diễn đàn đổi mới sáng tạo cần làm rõ sự khác biệt của từng tỉnh để làm dấu mốc so sánh có sự tác động của dự án: (1). Trong đó cần làm rõ sự khác biệt cơ bản có liên quan đến sản xuất nông nghiệp: (1.1). Làm rõ sự khác biệt về độ cao và địa hình; (1.2) . Sự khác biệt về khí hậu và thời tiết; (1.3). Dân số, dân tộc và thành phần dân tộc; (1.4). Tỷ lệ hộ nghèo; (1.5). Khả năng tiếp cận trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. (2). Cần có những hoạt động cụ thể hơn mang tính định hướng phù hợp với xu thế thời đại; (2.1). Không chỉ thực hiện các yêu cầu nâng cao năng lực  mà cần xác định giá trị cốt lõi kế hoạch từng tỉnh là gì? sự kết nối với CDC tỉnh Đắk Lắk như cam kết ban đầu như thế nào; (2.2). Xác định đổi mới sáng tạo ở khâu nào đối với cây cà phê và cây ăn quả (giống, phân bón, bảo vệ thực vật, công nghệ tưới nước tiết kiệm thật phù hợp và khoa học về giữ ẩm rễ nhưng cần đủ lượng ẩm để hoa cà phê nở, công nghệ chế biến…); (2.3). Tổ chức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu (quản lý nguồn nước, thị trường carbon); (2.4). Sản xuất nông nghiệp có chứng nhận: (4C,Organic, Rainforest Alliance  GlobalGap…; (2.5). Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện không gây mất rừng.

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời khắc phục những hạn chế; với những kế hoạch dự kiến trong trương lai, chúng tôi hy vọng rằng đây là chương trình hợp tác quốc tế về nông nghiệp góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có tính khả thi cao, đặc biệt vấn đề nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu; có những giá trị cốt lõi trong nông nghiệp, có những cơ sở khoa học, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong nông nghiệp, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vùng Tây Nguyên trong quá trình hội nhập quốc tế.