Với mong muốn làm kinh tế có hiệu quả, cựu chiến binh Kon Sơ Ha Thương, dân tộc K’Ho, ở thôn Ða Kao 2, xã Ðạ Tông (Ðam Rông) đã tìm hiểu thực tế sản xuất của bà con quanh vùng và tập trung thực hiện mô hình chăn nuôi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Chăn nuôi đã giúp gia đình cựu chiến binh Kon Sơ Ha Thương có cuộc sống ổn định |
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đầm Ròn, năm 1981, ông Ha Thương tham gia lực lượng dân quân du kích cơ động của xã với vị trí Trung đội trưởng, thực hiện nhiệm vụ chính là đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Ông Ha Thương bày tỏ: “Năm 1987, khi hoàn thành nghĩa vụ được giao, tôi lập gia đình và tập trung phát triển kinh tế. Ngoài canh tác lúa nước, cây khoai mỳ và cà phê, tôi còn buôn bán muối, kinh doanh phân bón cho bà con trong vùng”.
Ông Ha Thương cho biết thêm, khi đã tìm hiểu về điều kiện thổ nhưỡng và tình hình sản xuất ở địa phương, ông nhận thấy phân chuồng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nên ông đã mạnh dạn đầu tư công sức, dồn vốn liếng vào việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và gia cầm. Đồng thời, trang bị máy xay xát, máy nghiền thức ăn chăn nuôi để vừa làm dịch vụ vừa phục vụ phát triển chăn nuôi cho gia đình. Sau nhiều năm tần tảo, chắt chiu, nhờ số tiền tích lũy từ chăn nuôi và từ nguồn vốn vay, ông Ha Thương tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trại và mua 4 con bò giống về nuôi. Nhờ chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, nên đàn vật nuôi của gia đình ông Ha Thương luôn khỏe mạnh và ngày càng phát triển ổn định. “Bên cạnh việc đào hố xử lý phân để giảm mùi hôi theo quy chuẩn, hàng tháng, tôi còn xử lý phân bằng men khử trùng, các chế phẩm sinh học, men khử mùi, vệ sinh chuồng trại nên đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Đồng thời, định kỳ 2 tháng/lần tôi tiến hành phun xịt khử trùng chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi...”, ông Ha Thương chia sẻ.
Mỗi năm, ông Ha Thương nuôi bình quân 3 lứa lợn siêu nạc, mỗi lứa nuôi có trên 10 con lợn thịt. Với giá cả thịt lợn thương phẩm trên thị trường dao động từ 45.000 - 80.000 đồng/kg, mỗi lứa gia đình ông thu lãi trên 30 triệu đồng. Còn về chăn nuôi bò, mỗi năm bán 2 con để trang trải cuộc sống sinh hoạt trong gia đình, hiện nay, trong chuồng trại của ông Ha Thương thường xuyên duy trì từ 10 con bò trở lên và cho nguồn phân chuồng đáng kể. Ngoài việc chăm bón cho cây trồng, mỗi năm, ông Ha Thương còn cung cấp cho bà con trong vùng với số lượng bình quân trên 300 bao phân đã ủ hoai có giá trị gần 40 triệu đồng. Với sự mạnh dạn và biết cách làm ăn, đến nay, kinh tế gia đình cựu chiến binh Ha Thương đã ổn định, phát triển, thu nhập hàng năm đạt trên 120 triệu đồng, có nhà ở kiên cố, cơ bản có đầy đủ các phương tiện sinh hoạt trong gia đình... Nhiều năm nay, bà con sử dụng phân chuồng của gia đình ông bón cho cây trồng luôn yên tâm về chất lượng, đảm bảo cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Ông Ha Thương tâm sự: Qua thực tế làm ăn, ông đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân, đó là nếu mình cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi, luôn mạnh dạn và làm với sự quyết tâm thì mọi việc sẽ thành công. Ðến nay, dù còn nhiều vất vả, nhưng cuộc sống gia đình ông đã khá ổn định hơn so với trước. Không những có điều kiện để lo cho con cái được học hành, mà còn nhận nuôi 5 cháu mồ côi. Hiện tại, vợ chồng ông Ha Thương luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện để chăm lo cho các cháu được ăn học.
Ông Bon Niêng Ha Krơng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đạ Tông, cho biết: “Không chỉ cần cù, chịu khó và mạnh dạn trong làm kinh tế, ông Kon Sơ Ha Thương còn là một trong những hội viên cựu chiến binh rất nhiệt tình với các hoạt động xã hội, hết lòng với bà con trong buôn. Ông luôn tận tình chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với bà con, nhất là các hội viên Hội Cựu chiến binh để phát huy tinh thần đoàn kết, góp sức xây dựng quê hương”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin