Đạ Huoai thực hiện các chương trình trọng tâm và các khâu đột phá

ĐỨC TÚ  06:51, 30/07/2024

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Đạ Huoai xác định thực hiện 4 đột phá phát triển (bổ sung thêm 1 đột phá về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số), 4 chương trình trọng tâm, 9 công trình trọng điểm (chủ động bổ sung thêm 2 công trình trọng điểm để chỉ đạo triển khai: Dự án Nhà Thiếu nhi huyện và giải phóng mặt bằng Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đoạn đi qua huyện Đạ Huoai). Đây là những nội dung quan trọng, thể hiện tầm nhìn và tư duy đổi mới trong quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX. 

Thực hiện đột phá trong nông nghiệp đã giúp huyện Đạ Huoai có trên 800 nông dân thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ sầu riêng
Thực hiện đột phá trong nông nghiệp đã giúp huyện Đạ Huoai có trên 800 nông dân thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ sầu riêng

THÀNH CÔNG TỪ CÁC KHÂU ĐỘT PHÁ

Huyện Đạ Huoai thực hiện đột phá về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương với mục đích phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của địa phương, phát triển nền nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế. Tính đến hiện tại, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 177 triệu đồng/ha (tăng 94 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ), thu nhập bình quân đầu người đạt 67,2 triệu đồng/năm (tăng 23,7 triệu đồng/năm so với năm 2020). 

Khai thác lợi thế so sánh về vị trí địa lý là huyện cửa ngõ của tỉnh Lâm Đồng - thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn diện; qua quá trình triển khai thực hiện đã góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khai thác những lợi thế, nguồn lực đầu tư của địa phương; đồng thời, tăng cường liên kết huy động mọi nguồn lực đầu tư, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực phát triển cho mối quan hệ liên ngành: du lịch hỗ trợ cho nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp và dịch vụ phát triển; kết cấu hạ tầng được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 11.400 tỷ đồng, tăng khoảng 3 lần so với giai đoạn 2015-2020.

Thực hiện việc đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong giai đoạn mới; kết quả đã góp phần phát triển nguồn nhân lực về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý, dần đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cử 100 cán bộ, đảng viên đi đào tạo lý luận chính trị, 5 cán bộ, đảng viên đi đào tạo đại học, sau đại học; có 806 cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 85% (năm 2021 đạt 50,81%).

Địa phương tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, lấy chỉ số hài lòng của người dân là thước đo kết quả thực hiện nhiệm vụ; triển khai thực hiện các đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã; tiếp tục bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm; sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo các đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Việc xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử chuyển biến tích cực, chỉ số cải cách hành chính của huyện; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên các lĩnh vực được nâng lên; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt trên 99%.

• TRIỂN KHAI ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ

Việc thực hiện các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm được lồng ghép thực hiện cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công. Đảng bộ lãnh đạo quyết liệt và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Toàn huyện có 7/7 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3/7 xã đạt nông thôn mới nâng cao hiện đã hoàn thành 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm sâu, năm 2023 còn 0,4% (giảm 0,5% so với đầu nhiệm kỳ), tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS năm 2023 còn 1,1% (giảm 1,6% so với đầu nhiệm kỳ. 6/9 công trình trọng điểm đang triển khai đảm bảo tiến độ, còn lại 3 dự án đang tiến hành thủ tục hồ sơ đầu tư (hồ thủy lợi Đạ Tràng; đường ĐH6, chợ thị trấn Đạ M'ri). 

Có thể nói, 4 đột phá phát triển, 4 chương trình trọng tâm, 9 công trình trọng điểm có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ cho nhau và nằm trong tổng thể phát triển chung của huyện. Việc triển khai đã mang lại những kết quả quan trọng, không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn tác động toàn diện đến nhiều lĩnh vực theo chiều hướng tích cực góp phần xây dựng huyện Đạ Huoai ngày càng giàu, đẹp, văn minh.