Xã An Nhơn - một xã thuần nông của huyện Đạ Tẻh, với trên 82% là đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tròn 40 năm hình thành và phát triển, có sự đồng hành hơn 20 năm của NHCSXH và 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS), góp phần đưa An Nhơn trở thành điểm sáng, hiệu quả trong hoạt động tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn…
Bà Giang với hệ thống hồ nuôi ốc bươu đen có sự hỗ trợ của vốn TDCS |
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Giang (xã An Nhơn) đang sinh sống cùng gia đình hai người con trai trong một khuôn viên mấy sào đất, với cơ ngơi bề thế gồm 3 căn nhà, vườn cây, vườn rau, hệ thống ao nuôi ốc bươu đen… Nhưng, có được ngày hôm nay là sự đồng hành của NHCSXH. Bà Giang tâm sự, bà cùng gia đình ở Thái Bình vào xã An Nhơn năm 1991, bắt đầu gây dựng kinh tế bằng cách trồng rau và chăn nuôi heo để trang trải cuộc sống. Bà vay vốn ngân hàng từ năm 1995 (lúc đó, NHCSXH là Ngân hàng phục vụ Người nghèo) cùng với khoản tích lũy mua thêm đất, mở rộng sản xuất…
Mặc dù các con đã có công việc và cuộc sống ổn định, bà Giang vẫn chăm chỉ làm nông… 3 năm nay, ngoài việc chăn nuôi bò, trồng rau, gia đình bà vay vốn sản xuất của NHCSXH để cải tạo ao thành hệ thống nuôi ốc bươu đen, cho thu nhập ổn định. Bà cho biết: Các chương trình TDCS từ NHCSXH trong 30 năm qua đã hỗ trợ, thúc đẩy gia đình bà phát triển kinh tế tốt hơn, nhất là thời gian đầu, khi gia đình chưa tự chủ được nguồn vốn…
An Nhơn địa phương có dân cư phân bố không đồng đều, trung tâm xã ở xa các trung tâm kinh tế lớn trong vùng và của tỉnh, và tỷ lệ đồng bào DTTS đông; nên đời sống Nhân dân nhiều năm trước vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ hộ nghèo cao, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS rất cao, người dân thiếu nguồn vốn để đầu tư, phát triển… Không chỉ riêng gia đình bà Giang, sự hỗ trợ của các nguồn lực từ các chương trình giảm nghèo của Nhà nước - trong đó, có các chương trình TDCS của NHCSXH là động lực để người dân An Nhơn phát triển sản xuất trên vùng đất có tiềm năng kinh tế nông, lâm nghiệp…
Với sự hỗ trợ của các nguồn vốn TDCS, người dân xã An Nhơn đã mạnh dạn đưa giống mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, diện tích cây lúa nước ứng dụng công nghệ cao, cây ăn trái đặc sản (sầu riêng, măng cụt…) đang được Nhân dân mở rộng, là hướng đi mới trong phát triển kinh tế bền vững của địa phương… Trên địa bàn xã có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn TDCS, như mô hình chăn nuôi bò, nuôi ốc bươu đen, trồng rau hoa, tổ hợp tác vay vốn trồng cây ăn quả của Đoàn Thanh niên…
Tính đến nay, nguồn vốn các chương trình TDCS trên địa bàn xã An Nhơn đạt tổng dư nợ khoảng 25 tỷ đồng, với hơn 700 hộ/994 hộ toàn xã vay vốn. Chất lượng hoạt động TDCS tại xã nhiều năm liền đạt thành tích tốt. Nguồn vốn TDCS được người vay sử dụng đúng mục đích, giúp giải quyết việc làm và phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững; đồng thời, giúp cho học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập để có việc làm ổn định, có thu nhập cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, các hộ vay vốn thực hiện cam kết trả lãi và gốc đúng kỳ hạn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý nợ đến hạn, hạn chế tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn…
Các Tổ TK&VV đã làm tốt công tác quản lý, thu lãi hàng tháng và thu hồi nợ gốc đúng kỳ hạn; các hộ tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng đạt chỉ tiêu NHCSXH giao. Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi, bố trí hội trường phục vụ cho NHCSXH làm Điểm giao dịch tại xã, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất và an toàn trong các buổi giao dịch. Hằng tháng, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã và các đoàn thể chính trị, xã hội tham dự các cuộc họp giao ban cùng với NHCSXH, đánh giá tình hình về công tác quản lý, điều hành vốn vay, kịp thời xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh và chấn chỉnh công tác quản lý vốn vay trên địa bàn.
Theo ông Lê Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh: Trước khi có Chỉ thị 40, hoạt động vay vốn và cho vay vốn trên địa bàn xã chưa thật sự có sự quản lý thống nhất, đồng bộ… Từ khi có Chỉ thị 40 đã huy động sự vào cuộc cấp uỷ, chính quyền, cũng như các đoàn thể vào hoạt động TDCS… Hệ thống quản lý vốn và hoạt động uỷ thác cho vay các chương trình TDCS giữa xã và NHCSXH chặt chẽ và hiệu quả hơn; đặc biệt, nguồn vốn đến với các tầng lớp nhân dân được mở rộng; công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ…
Các chương trình TDCS và tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 40 đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã An Nhơn chỉ còn 2%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm rất nhiều so với năm 2014. Xã An Nhơn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu để đạt chuẩn kiểu mẫu về y tế… Xã cũng quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng để bà con nhân dân đi lại thuận tiện hơn, phát triển kinh tế tốt hơn, giao thương tốt hơn… Đặc biệt, người dân An Nhơn luôn đoàn kết, góp phần xây dựng An Nhơn ngày càng phát triển và giàu đẹp…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin