Đưa kỹ thuật trồng cà phê tiên tiến về với đồng bào K'Ho 

QUỲNH UYỂN 00:21, 08/07/2024

Dự án “Phục hồi, phát triển và chuyển giao cây cà phê chè Moka có năng suất, chất lượng cao cho bà con dân tộc thiểu số xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương” do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật (KHKT) Việt Nam giao cho Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Lâm Đồng thực hiện đã tạo điều kiện để đồng bào K’Ho áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào trồng và chăm sóc cây cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trồng, chăm sóc cà phê 
đã cho bà con những vườn cây trĩu hạt
Việc áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trồng, chăm sóc cà phê đã cho bà con những vườn cây trĩu hạt

Là huyện miền núi, Lạc Dương có đến 83,7% dân số là đồng bào dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên, kinh tế nông - lâm chiếm tỷ trọng 55,84% trong cơ cấu kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 39,41%. Dù có điều kiện thiên nhiên ưu đãi nhưng Đạ Sar hiện tại vẫn là xã nghèo do đồng bào sản xuất nông nghiệp dựa hoàn toàn vào thiên nhiên, tập quán canh tác lạc hậu, trình độ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế... Cùng với các Chương trình 135, 134, 30a vốn giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng xã điểm; nhiều dự án chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cũng được thực hiện nhằm đưa cuộc sống của đồng bào ở đây đổi thay.

2 năm thực hiện Dự án “Phục hồi, phát triển và chuyển giao cây cà phê chè Moka có năng suất, chất lượng cao cho bà con dân tộc thiểu số xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương”, các chuyên gia nông nghiệp của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Lâm Đồng đã đưa quy trình kỹ thuật tiên tiến trồng và chăm sóc cây cà phê chè Moka đến với đồng bào. Nhóm các chuyên gia đã tiến hành khảo sát thực trạng sản xuất hộ gia đình về các vấn đề cơ bản như: Lao động, đất đai, tư liệu sản xuất, giống và năng suất cà phê chè đang trồng, mức độ áp dụng kỹ thuật, tình hình thu hoạch và tiêu thụ. Qua đó đã chọn lọc những nội dung cần thiết phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế để chuyển giao cho nông dân.

Dự án đã xây dựng 2 mô hình: 1 mô hình trồng mới và 1 mô hình phục hồi cà phê chè già cỗi cho năng suất thấp. Các hộ gia đình được chọn tham gia mô hình đều có đủ các tiêu chí về lực lượng lao động, diện tích sản xuất, là nơi thuận tiện để bà con tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Mô hình trồng mới cho tỷ lệ nảy mầm cà phê đạt 100%; tỷ lệ cây giống cà phê đạt tiêu chuẩn xuất vườn 95%; cây phát triển bình thường, không sâu bệnh.

Mô hình phục hồi cà phê đã chọn vườn cà phê hộ gia đình ông Lơmu Ha Thom My (tại Thôn 1, Đạ Sar) có địa hình tương đối bằng phẳng. Trước khi tham gia dự án, khu vườn này đã trồng cà phê được 6 tuổi, nhưng chưa thật sự phát triển bền vững, không trồng cây che bóng tạm thời, cây cà phê phát triển tương đối kém, không bảo đảm mật độ 5.000 cây/ha, nhiều chỗ thưa thớt, quy trình canh tác chưa đúng kỹ thuật dẫn đến năng suất của các mùa vụ không cao. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng. Phun thuốc bảo vệ thực vật không đúng thời điểm, không đúng đối tượng gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tại vườn.

Khi tham gia xây dựng mô hình, gia đình ông Lơmu Ha Thom My đã thực hiện nghiêm ngặt các quy trình về phục hồi cà phê từ các khâu chăm sóc, làm cỏ, tỉa cành tạo tán, bón phân tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh... theo đúng hướng dẫn. Đã tiến hành trồng dặm đúng thời vụ nên tỷ lệ cây trồng dặm sống tương đối cao, qua đó đảm bảo được mật độ cây trồng. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, đúng đối tượng, phun thuốc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của các thành viên thực hiện đề tài nên kết quả là đã phòng trừ tốt các loại sâu bệnh hại cà phê, đồng thời dư lượng ở ngưỡng an toàn. Vườn cà phê của ông Lơmu Ha Thom My trở nên tươi tốt, khỏe mạnh, năm qua cho năng suất tăng 30% so với các năm trước đây, năm nay đang hứa hẹn một vụ mùa trĩu quả đem lại niềm vui lớn cho gia đình khi cà phê đang ở giai đoạn được giá.

Từ kết quả đạt được của mô hình, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh phối hợp cùng Hội Nông dân xã Đạ Sar tổ chức 2 hội nghị chuyển giao và hội thảo đầu bờ cho 50 bà con nông dân trồng cà phê từ 6/6 thôn trong xã nhằm phổ biến nhân rộng cho nhiều bà con học theo. ThS. Hồ Tấn Mỹ - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thành viên Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: “Bước đầu đưa kỹ thuật về cho bà con, chúng tôi gặp không ít khó khăn, do đồng bào quen làm theo phương pháp truyền thống, họ không chọn giống, được cây nào thì ươm cây đó; vườn cà phê chất lượng cây giống không đạt chuẩn; trình độ canh tác không có, trồng rồi để tự nhiên phó mặc cho trời. Chúng tôi đã hướng dẫn bà con từ cách canh tác thế nào, tỉa cành tạo tán ra sao, phun thuốc nào, bón phân nào, vào đúng thời điểm nào. Điều đáng mừng là nếu trước đây bà con đã làm theo phương pháp truyền thống thì cây cà phê phát triển theo tự nhiên, không tưới nước, bón phân tự do thì chúng tôi đã cầm tay chỉ việc, hướng dẫn trực tiếp, cụ thể cho bà con cách làm, chăm sóc. Chúng tôi đã hướng dẫn bà con tưới nước bón, phân theo kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh, đúng loại sâu, đúng loại bệnh nên phòng trừ loại thuốc nào cho hiệu quả. Về thu hoạch thì trước đây bà con cứ hái xô, tuốt một lần để tiết kiệm công, thu được bao nhiêu thì được. Nhưng cà phê phải đạt đến độ chín thì mới đạt năng suất, chất lượng; chỉ hái quả chín sẽ vừa bảo vệ cây cho vụ sau, vừa mang lại giá trị kinh tế…”.

Chỉ 2 năm thực hiện, dự án đã tác động tích cực thay đổi cách nghĩ cách làm, giúp bà con nông dân xã Đạ Sar, Lạc Dương từng bước tự chủ trong sản xuất nông nghiệp, đổi mới tư duy, tập quán canh tác, làm chủ được các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong trồng và chăm sóc cà phê, nâng cao năng suất, chất lượng, sử dụng đất có hiệu quả hơn, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.