Gặp tỷ phú sầu riêng vùng sâu Tân Thượng

DIỆP QUỲNH 05:58, 12/07/2024

Tân Thượng - xã vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh, nơi có đa số cộng đồng cư dân người dân tộc bản địa sinh sống. Những năm qua, người dân Tân Thượng đã chuyển hướng canh tác, trồng những cây trồng cho kinh tế cao. Và, chúng tôi  thật sự ngạc nhiên khi tới thăm một gia đình tỷ phú nông dân.

Ông KSèn bên vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch
Ông K'Sèn bên vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch

Ông K’Sèn, cư dân Thôn 3, xã Tân Thượng đưa khách đi thăm vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch của gia đình. Ông bảo, từ đời cha mẹ, ông bà của ông đã sống trên mảnh đất sát dòng Đồng Nai này. Ngày xưa, người Tân Thượng cực lắm, trồng cây lúa rẫy, cây mì, cây ớt…, tới mùa giáp hạt, đứt bữa là chuyện nhiều gia đình từng trải qua. Rồi người Tân Thượng làm quen với cây cà phê. Những trái cà phê chín đỏ giúp người Tân Thượng thoát nghèo. Nhưng, giá vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, giá cả thất thường, hạt cà phê chưa giúp người Tân Thượng làm giàu. Cho tới khi, ông K’Sèn mạnh dạn trồng cây sầu riêng.

“Tôi là hộ đầu tiên trong đồng bào Thôn 3 trồng cây sầu riêng. Đó là từ những năm 2007-2008, khi chỉ có một số ít hộ người Kinh sống ở khu lòng hồ thủy điện bắt đầu trồng sầu riêng. Lúc đó, bà con trong xóm rất tò mò vì tôi dám xuống giống xen trong vườn cà phê” - ông K’Sèn nhớ lại. Học hỏi những vườn trồng sầu riêng của bà con trong thôn, trong xã, ông K’Sèn xuống giống gần 500 cây sầu riêng Thái. Ông cũng nhớ lại, khi đó, gia đình còn rất khó khăn. Vì vậy, thay vì trồng sầu riêng thuần, ông trồng xen trong vườn cà phê, vừa chăm sầu riêng giai đoạn kiến thiết, vừa chăm cà phê để có thu hằng năm, chi trả cho cuộc sống gia đình.

“Cây sầu riêng có cái khó là mức đầu tư rất lớn, thật sự giai đoạn cây còn nhỏ, gia đình tôi rất khó khăn. Mãi tới khi cây được 4-5 tuổi, bắt đầu có trái, gia đình mới an tâm. Dù lúc đó, trái sầu riêng chưa xuất khẩu được, giá mới chỉ đạt 30-35 ngàn đồng/kg nhưng gia đình rất mừng vì thị trường cho trái sầu riêng rất rộng, dễ bán, thu nhập cũng cao hơn cà phê”, ông K’Sèn nhắc lại. Từ những ngày ban đầu giá trái còn thấp, gia đình ông  kiên trì chăm sóc vườn sầu riêng đúng kĩ thuật được chuyển giao. Không phụ lòng người, cây phát triển tốt, cho trái thơm, ngọt, mỏng vỏ. Vụ sầu riêng 2024, gia đình ông K’Sèn ước tính thu được 30 tấn sầu riêng nhất chuyên xuất khẩu. Ông K’Sèn rất tự hào vì gia đình chăm sầu riêng theo tiêu chuẩn ViệtGAP, đã đăng ký và xây dựng thành công mã vùng trồng xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Ông cũng cho biết, giá sầu riêng của gia đình đang xấp xỉ mức 80 ngàn đồng/kg, một con số đáng kể với cư dân Tân Thượng.

Ông K’Sèn tâm sự, bà con Tân Thượng tiếp cận với cây sầu riêng không phải điều dễ dàng. Bởi cây sầu riêng phải trồng tới năm thứ năm mới cho trái. Trong khi đó, mức đầu tư cho cây sầu riêng rất lớn, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để theo đuổi. Với kinh nghiệm cá nhân, ông K’Sèn khuyến cáo bà con nên trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê, lấy ngắn nuôi dài, giúp bà con vẫn có thu nhập trong khi chờ sầu riêng đến ngày thu hoạch. Trồng sầu riêng trong vườn cà phê cũng có nhiều khó khăn. Cụ thể, cây cà phê khiến mặt đất ẩm, không thông thoáng, cây sầu riêng dễ bị bệnh như thối rễ, thán thư. “Tuy nhiên, nếu chăm sóc kỹ, quản lý sâu bệnh tốt, gia đình vẫn có thể thu được vừa sầu riêng vừa cà phê. Như vụ cà phê 2023, gia đình tôi thu được 6 tấn nhân, bán với giá 90 ngàn đồng/ kg, một mức thu không nhỏ” - ông K’Sèn động viên bà con. Ông K’Sèn cũng nhận xét, tuy cà phê sống dưới bóng của cây sầu riêng vẫn phát triển khá tốt bởi cà phê là cây ưa ánh sáng tán xạ. Chỉ cần theo dõi vườn chặt chẽ, ngừa bệnh tốt, bổ sung phân hữu cơ đầy đủ cùng nấm Trichoderma, cây cà phê vẫn cho trái tốt.

Anh K’Đức, cán bộ khuyến nông xã Tân Thượng, huyện Di Linh cho biết, ông K’Sèn là nông hộ người dân tộc thiểu số đầu tiên trong xã Tân Thượng trồng sầu riêng. Khi ông K’Sèn chuyển đổi sang một loài cây mới, bà con trong thôn, trong xã đã rất tò mò. Từ sự thành công của gia đình ông K’Sèn cũng như các nông hộ khác, bà con đã xuống giống sầu riêng, thúc đẩy việc thay đổi cơ cấu cây trồng của cư dân Tân Thượng. Ông K’Sèn cũng là nông hộ nhiệt tình, sẵn sàng chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cho bà con trong thôn, trong xã. Với xấp xỉ 95% cư dân là các dân tộc thiểu số, trong đó 87% là dân tộc thiểu số bản địa, sự mạnh dạn, thành công của gia đình ông K’Sèn đã mang lại động lực rất lớn để bà con chuyển đổi cà phê sang trồng sầu riêng. Và cũng từ sự thay đổi của ông K’Sèn, sự học hỏi của bà con, cây sầu riêng đang càng ngày càng mở rộng, bén rễ trên đất Tân Thượng, mang lại no ấm cho một mảnh đất vùng xa bên dòng Đồng Nai.