Hiện nay, người dân trong tỉnh đang mới bước vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng với tâm trạng rất phấn khởi khi giá loại trái cây này đang tăng cao. Dù vậy, rút kinh nghiệm từ những vụ trước, bên cạnh việc tập trung chăm sóc vườn cây chờ đến ngày thu hoạch, nhiều nông dân liên tục theo dõi thị trường, cẩn trọng chờ ngày chốt hợp đồng bán cho thương lái để bảo đảm lợi ích của mình.
Sơ chế sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại Công ty Long Thủy |
Theo ghi nhận, trong 2 tháng trở lại đây, giá thu mua sầu riêng được các doanh nghiệp và thương lái thu mua ở mức trên 70.000 đồng/kg đối với sầu riêng Thái và trên 55.000 đồng đối với loại Ri6. Đặc biệt, tại thời điểm này, giá sầu riêng Thái được thương lái mua tại vườn với giá trên 80.000 đồng/kg.
Tại xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh nông dân đã thu hái sầu riêng rải rác từ một tháng nay và đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ. Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Luận ở thôn Tôn K’Long đón khá nhiều thương lái đến đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua sầu riêng Thái.
Anh Luận cho biết, hiện nay, gia đình anh đang canh tác 4 ha sầu riêng, trong vụ năm 2024, sản lượng sầu riêng dự kiến ước đạt hơn 50 tấn trái. Năm nay dù gặp thời tiết bất lợi do nắng nóng kéo dài, tuy nhiên, do chăm sóc kỹ lưỡng, vườn sầu riêng nhà anh vẫn cho năng suất cao, trái to, đẹp, màu sắc bắt mắt. Với giá sầu riêng như hiện nay, gia đình anh có doanh thu không dưới 5 tỷ đồng.
Anh Luận cho hay, trước thời điểm thu hoạch hơn 1 tháng, rất nhiều thương lái đến từ trong cũng như ngoài tỉnh đã tìm đến vườn anh để đặt vấn đề chốt hợp đồng, bao tiêu toàn bộ sản lượng sầu riêng. Họ sẵn sàng trả giá cao, đặt cọc để mua sầu riêng. Đặc biệt, ở những vườn có sản lượng lớn, các doanh nghiệp vào tận nơi ký hợp đồng thu mua với những điều khoản khá rõ ràng.
Theo anh Luận, so với các năm trước, người nông dân giờ rất thận trọng trong việc chốt hợp đồng giá sầu riêng. Bởi lẽ, đã có không ít trường hợp khi thực hiện chốt hợp đồng xong, nông dân nhận cọc xong nhưng đến thời điểm thu hoạch, giá sầu riêng xuống thì thương lái “neo” trái trong vườn, chậm trễ thời gian thu hoạch để ép người nông dân xuống giá.
Trong vấn đề thu mua sầu riêng có những tình huống biến động bất ngờ. Ví dụ có năm, thương lái chốt giá tại vườn là 60.000 đồng/kg nhưng tới thời điểm cắt sầu riêng thì giá lên đến 80.000 đồng/kg nên họ cắt hết. Ngược lại, có trường hợp thương lái ký hợp đồng 70.000 đồng/kg nhưng tới lúc cắt sầu riêng thì giá thị trường xuống chỉ còn 50.000 đồng/kg nên họ bỏ cọc. Cũng có trường hợp người dân gian lận, ký hợp đồng bán cho thương lái với giá cố định nhưng đến ngày cắt, giá thị trường lên thì họ tìm cách bán ra ngoài cho thương lái khác. Do đó, dù các thương lái liên tục chào giá nhưng vụ sầu riêng năm nay, khi nào đến thời điểm thu hoạch từ 7 - 10 ngày tôi mới chốt hợp đồng với thương lái - anh Luận cho hay.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, hiện địa phương đang có khoảng 1.700 ha sầu riêng; trong đó, diện tích đang bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định từ năm thứ 6 trở lên là 900 ha, tổng sản lượng dự kiến hơn 20.000 tấn. Một số xã có diện tích trồng sầu riêng lớn là Đạ Kho, Mỹ Đức, Quảng Trị, Đạ Pal... So với các loại cây trồng truyền thống khác tại địa phương, trồng sầu riêng giúp người dân tăng thu nhập lên gấp nhiều lần. Trong vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, ngành Nông nghiệp huyện cũng như chính quyền các địa phương đã có khuyến cáo đến nông dân bình tĩnh, theo dõi sát thông tin thị trường và vườn cây, đợi vườn cây đủ ngày tuổi rồi chốt giá và bán.
Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Long Thủy cho biết, hiện nay, bà con bắt đầu vào vụ thu hoạch sầu riêng. Có người ký hợp đồng với thương lái ngay từ đầu và theo dõi vườn cây để cắt quả già; có người canh sầu riêng rụng để bán cho thương lái nhỏ tại địa phương. Hiện giá sầu riêng trên thị trường rất cao nên với kinh nghiệm của mình, người dân cần theo dõi sự biến động giá và nghiên cứu kỹ hợp đồng ký kết thu mua với các thương lái, tránh những vấn đề bất lợi phát sinh về sau. Bên cạnh đó, do giá cả chưa bình ổn và còn biến động, nông dân trồng sầu riêng trong tỉnh cần cẩn trọng khi đưa ra quyết định, xem xét kỹ hợp đồng mua bán, quan tâm đến liên kết lâu dài trong sản xuất và tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, chính quyền sở tại để có vụ thu hoạch sầu riêng thành công, lợi nhuận.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích cây sầu riêng 21.147 ha; trong đó, diện tích thu hoạch 11.554 ha và dự kiến sản lượng năm 2024 đạt 135.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 116 mã số vùng trồng với tổng diện tích 5.597,13 ha; trong đó, 114 vùng trồng sầu riêng với diện tích 5.489,13 ha, có 10 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu với tổng diện tích nhà xưởng 13.519 m2 và công suất tối đa 755 tấn/ngày. Các vùng trồng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra trong đợt kiểm tra trực tuyến đợt 1 năm 2023 và khắc phục theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
Trong vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng đã có khuyến cáo đến người nông dân; đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương tích cực vào cuộc theo dõi, có giải pháp can thiệp kịp thời tình trạng “tranh mua, tranh bán” như hiện nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin